Bổ sung 5 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025 (đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
16/10/2023 19:04 PM

Có phải khi sửa Luật BHXH, sẽ bổ sung 05 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc không? Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025 có gì thay đổi?

Đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025

Đề xuất thêm 5 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025 (Hình từ internet)

Đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025

Đây là nội dung đề cập tại Tờ trình Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo đó, tại Nghị quyết 28-NQ/TW yêu cầu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang nhóm đối tượng khác, đồng thời rà soát,  mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Còn tại Tờ trình Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có đề cập đến căn cứ thực tiễn như sau:

+ Đối với hộ kinh doanh: Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 02 nhóm hộ kinh doanh: (i) Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh; và (ii) Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.

Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

+ Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:

Theo quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hằng tháng.

Hiện nay, Ngân sách Trung ương thực hiện khoản quỹ phụ cấp để chỉ trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố tương tự như đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã".

Tính đến 31/12/2022, cả nước có 405.032 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 270.346 người.

Theo quy định của Luật BHXH 2014 thì chỉ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

+ Đối với người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương:

Luật BHXH 2014 chỉ mới quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương" chưa được quy định tham gia BHXH bắt buộc.

Từ căn cứ thực tiễn đó, dự thảo đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động phải đóng BHXH bắt buộc gồm:

(1) Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

(2) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã;

(3) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

(4) Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

(5) Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giảm sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động 2019.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hưởng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tại khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định: “Việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ".

Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động13, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.

Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hưởng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Một số đề xuất mới tại tờ trình dự án Luật BHXH

>> Đề xuất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu

>> Rút BHXH một lần từ năm 2025: Đề xuất 2 phương án mới nhất

>> Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025 (Đề xuất)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,586

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn