Tiêu chí phân loại ĐVSN thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/11/2022 17:17 PM

Xin hỏi hiện nay tiêu chí phân loại đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tư pháp được quy định như thế nào? - Hạ Trâm (Quảng Ninh)

Tiêu chí phân loại ĐVSN thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

Tiêu chí phân loại ĐVSN thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 01/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 07/2022/TT-BTP quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.

1. Tiêu chí phân loại ĐVSN thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

* Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ:

(1) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước: 

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ngành, lĩnh vực tư pháp;

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng xây dựng, quản lý, khai thác thông tin, hỗ trợ pháp luật; 

- Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các chức năng khác phục vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp. 

(2) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công:

- Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 

- Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp. 

(3) Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại (1) mục này và một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định tại (2) mục này. 

Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

* Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập:

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Chính phủ. 

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

- Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập bởi chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

* Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính:

- Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 

+ Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. 

- Việc xác định mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực tư pháp tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 07/2022/TT-BTP thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất và giải thể ĐVSN thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp

* Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp:

- Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực tư pháp phải đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP

- Ngoài các điều kiện chung thì việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan. 

* Điều kiện sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập:

- Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

 - Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật có liên quan. 

Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; 

Trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 

* Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập:

- Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện giải thể khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. 

- Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các nghĩa vụ khác có liên quan và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

Xem thêm Thông tư 07/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 19/12/2022.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,747

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn