Vụ trụ điện 220KV bằng bêtông trộn đất ở Nam Định: Có thể xem xét xử lý hình sự

06/06/2016 08:13 AM

“Sự việc lần này được dư luận hết sức quan tâm bởi hai lý do, thứ nhất là sự thật được phát hiện kịp thời nhờ sự dũng cảm dám đứng ra tố cáo của hai người dân. Thứ hai là cách xử lý vi phạm rất nhanh từ phía chủ đầu tư đối với các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý cũng cần phải chờ kết luận điều tra của cơ quan công an mới có thể xem xét xử lý vụ án hình sự được hay không” - luật sư Đặng Văn Cường(ảnh) nói.

luật sư đặng văn cường

Luật sư Đặng Văn Cường

Mức phạt khiến nhiều người chưa thỏa mãn

Liên quan đến vụ việc đang gây xôn xao dư luận này, như Báo Lao Động đã thông tin, sau khi có kết quả thí nghiệm các mẫu bêtông, Cty CP Sông Đà 11 đã lập tức cầu thị nhận sai, ra quyết định kỷ luật 6 cán bộ liên quan, đồng thời cho biết sẽ đập đi để thi công lại toàn bộ những vị trí này. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt nghi ngại rằng, nếu chỉ “xử lý nội bộ” như vậy có phải còn quá nhẹ so với sai phạm của đơn vị thi công, nhất là với một công trình trọng điểm quốc gia này?

Chia sẻ quan điểm với PV Báo Lao Động, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Điều đầu tiên là hoan nghênh sự cầu thị của Công ty Sông Đà 11 trong việc rà soát, kỷ luật cán bộ sai phạm có liên quan lần này. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến tình huống nếu không có người dũng cảm đứng ra tố cáo, thì đơn vị này có phát hiện sai phạm và sửa sai kịp thời hay không”.

Luật sư Cường cũng phân tích, qua sự việc lần này cần phải yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ xem mức độ nghiêm trọng đến đâu. Vì đây là công trình vốn của Nhà nước, nếu tổ thi công cố tình thực hiện sai nguyên tắc, chế độ báo cáo tài chính có công khai hay không. Việc kỷ luật cán bộ của Công ty Sông Đà 11 là đương nhiên, nhưng không thể lấy đó để thay thế cho việc xử lý bằng pháp luật được. 

“Vì vậy, cần thiết phải chờ kết luận điều tra từ phía cơ quan công an xem mức độ thiệt hại nghiêm trọng tới mức nào? Có dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, có việc ăn bớt nguyên liệu hay không để có hướng xử lý thích hợp. Còn việc người tố cáo tiêu cực là anh Thuận và anh Hồi cũng cần tiến hành biểu dương. Nếu động cơ tố cáo của hai người là trong sáng và muốn đưa tiêu cực ra ánh sáng thì cần phải biểu dương kịp thời” - luật sư Đặng Văn Cường cho 
biết thêm.

Có thể xem xét xử lý hình sự

Đồng quan điểm trên, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng: “Việc xử lý nội bộ thì phía Sông Đà 11 cứ xử lý. Nhưng nếu không có người đứng ra tố cáo mà công trình vẫn được nghiệm thu, nối dây điện lên để hoạt động, nếu gặp gió bão đánh bật thì hậu quả sẽ ra sao. Lúc ấy ai sẽ là người chịu trách nhiệm, hay chỉ có người dân phải chịu thiệt thòi, Nhà nước thì thất thoát tiền ngân sách, mất nguồn điện cung cấp 
cho dân?”.

Luật sư Thái cũng đề xuất nên tổ chức rà soát lại toàn bộ các trụ cột khác nằm trong hệ thống công trình 220kV đó xem có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật không. Nếu xuất hiện thêm cột móng trụ điện thứ 3 nữa trộn bùn đất vào bêtông mà không đủ chịu lực thì nhất quyết phải xem xét xử lý vụ án hình sự đối với đơn vị thi công và các cá nhân có liên quan.

“Nếu hai anh Thuận, Hồi tố cáo tiêu cực một cách vô tư thì cần thiết phải tổ chức biểu dương, khen thưởng xứng đáng” - luật sư Thái nhận định.

PGS-TS Nguyễn Quang Viên - giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội - cho biết, về mặt chuyên môn thì ông không có bình luận gì về cách xử lý vi phạm của Cty Sông Đà 11 đối với các cá nhân sai phạm. Tuy nhiên, vị giảng viên ngành xây dựng vẫn đặt nghi vấn xung quanh câu chuyện, nhà thầu và chủ đầu tư đã yêu cầu dừng thi công từ tháng 3.2016, nhưng đơn vị thi công ở dưới vẫn tổ chức làm. Điều này gây khó hiểu đối với ông.

Nhóm PV thời sự

Theo Báo Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,716

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn