iThong 25/05/2024 16:00 PM

Dự thảo Luật đường bộ: Những quy định về hành lang an toàn đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/05/2024 16:00 PM

Dự thảo Luật Đường bộ mới nhất đã đề cập đến những quy định về hành lang an toàn đường bộ cũng như sử dụng hành lang an toàn đường bộ.

Những quy định về hành lang an toàn đường bộ theo Dự thảo Luật đường bộ

Dự thảo Luật đường bộ: Những quy định về hành lang an toàn đường bộ (Hình từ internet)

Những quy định về hành lang an toàn đường bộ theo Dự thảo Luật đường bộ

Theo Điều 15 Dự thảo Luật Đường bộ đã đề xuất quy định về hành lang an toàn đường bộ, cụ thể như sau:

- Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tầm nhìn xe chạy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

- Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo nguyên tắc sau đây:

+ Đối với đường ngoài đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, theo quy mô, cấp kỹ thuật của đường trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch được xác định theo cấp kỹ thuật hiện tại của đường;

+ Đối với đường đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng cấp;

+ Đối với cầu, bến phà, cầu phao đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang và phụ thuộc cấp sông, quy mô công trình; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, phạm vi hành lang an toàn cầu được xác định từ mép ngoài của phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu;

+ Đối với hầm đường bộ, xác định từ mép ngoài của phần đất bảo vệ công trình hầm ra xung quanh;

+ Đường bộ có kè, tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ thì phạm vi hành lang an toàn được xác định từ mép ngoài của tường trở ra nhưng không lớn hơn quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 15 Dự thảo Luật Đường bộ.

+ Đối với đường thôn xóm, đường ngõ, ngách, hẻm trong đô thị và đường khác không cho xe ô tô di chuyển thì không phải bắt buộc bố trí hành lang an toàn đường bộ.

- Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với các công trình khác thì được phân định như sau:

+ Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt, phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt. Việc sử dụng hành lang an toàn đường sắt không được làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường bộ và an toàn giao thông;

+ Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, việc quản lý, sử dụng hành lang không được ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy;

+ Đường bộ đi chung với đê hoặc có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang đê điều, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang bảo vệ đê;

+ Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, hành lang an toàn đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; các đường liền kề nhau thì xác định hành lang an toàn đường bộ theo đường ngoài cùng.

- Việc xác định và quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

+ Mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy mô, hướng tuyến, phạm vi xây dựng công trình đường bộ;

+ Cơ quan được giao lập quy hoạch có trách nhiệm xác định mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí đã xác định tim, hướng tuyến và quy mô công trình đường bộ trong quy hoạch;

+ Chủ đầu tư, xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi dự án xây dựng công trình đường bộ; bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý sử dụng đường bộ;

+ Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý sử dụng đường bộ có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

+ Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý sử dụng đường bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định của  Dự thảo Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Hiện hành, những quy định về hành lang an toàn đường bộ được quy định tại  Luật Giao thông đường bộ 2008Nghị định 11/2010/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP  

Đề xuất quy định sử dụng hành lang an toàn đường bộ

Điều 16 Dự thảo Luật Đường bộ cũng đã đề xuất quy định sử dụng hành lang an toàn đường bộ như sau:

- Đất hành lang an toàn đường bộ đã được Nhà nước thu hồi phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Dự thảo Luật Đường bộ, pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:

+ Bảo đảm an toàn công trình đường bộ và công trình khác trong hành lang an toàn đường bộ;

+ Không che lấp báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

+ Tuân thủ các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường và các quy định khác của pháp luật.

- Đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật Đường bộ.

- Việc trồng, chăm sóc và khai thác cây trong hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật Đường bộ và các quy định sau đây:

+ Thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ gãy, đổ cây gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông;

+ Cắt xén khi cây che lấp biển báo hiệu đường bộ, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và ảnh hưởng tới an toàn giao thông;

+ Không được ảnh hưởng tới chất lượng đường bộ và hoạt động bảo trì đường bộ.

- Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đê điều, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ đường sắt phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Đường sắt, Luật Đất đai và Dự thảo Luật Đường bộ.

- Đường gom phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ. Trường hợp do quy hoạch của tuyến đường bộ, địa hình khu vực không thể bố trí được đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ thì có thể bố trí một phần đường gom trong hành lang an toàn đường bộ nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Bề rộng hành lang an toàn đường bộ còn lại đủ để mở rộng đường theo quy hoạch;

+ Bảo đảm bảo vệ công trình đường bộ;

+ Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và tầm nhìn xe chạy.

****

*Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,078

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn