Tải App trên Android
iThong 21/10/2023 20:01 PM

Người gây tai nạn giao thông được rời khỏi hiện trường khi nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/10/2023 20:01 PM

Xin cho tôi hỏi người gây tai nạn giao thông có được rời khỏi hiện trường hay không? - Hạ My (Bình Phước)

Người gây tai nạn giao thông được rời khỏi hiện trường khi nào?

Người gây tai nạn giao thông được rời khỏi hiện trường khi nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người gây tai nạn giao thông được rời khỏi hiện trường khi nào?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, người gây tai nạn giao thông được rời khỏi hiện trường trong trường hợp:

- Người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu

- Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu

- Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng

Lưu ý: phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

2. Mức phạt hành chính với hành vi gây tai nạn giao thông rời khỏi hiện trường

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn (Điểm b khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn (Điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn (Điểm c khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn (Điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

3. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi xảy ra tai nạn giao thông

(1) Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

- Bảo vệ hiện trường;

- Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

- Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

- Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

(2) Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định này.

(3) Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

(4) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên.

(5) Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tai nạn giao thông đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

(Các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008)

 

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,079

Bài viết về

iThong

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]