Các loại năng lượng tái tạo theo Quy hoạch năng lượng quốc gia (Hình từ internet)
Tại Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023, đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch năng lượng quốc gia).
Trong đó, theo định hướng quy hoạch phân ngành năng lượng mới và tái tạo, đã nêu các nội dung cụ thể sau:
Đối với phân ngành năng lượng mới và tái tạo, các loại hình năng lượng tái tạo được đưa vào quy hoạch gồm có:
(1) Năng lượng gió;
(2) Năng lượng mặt trời;
(3) Năng lượng sinh khối;
(4) Năng lượng chất thải rắn;
(5) Thủy điện nhỏ;
(6) Năng lượng tái tạo khác (thủy triều, địa nhiệt và khí sinh học); năng lượng mới (hydro, amoniac và các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro).
Mục tiêu chung của Quy hoạch năng lượng quốc gia nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ,...) để sản xuất năng lượng mới (hyro, amoniac xanh,...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.
- Định hướng:
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối,...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh,...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ, điện mặt trời mái nhà.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% nếu nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ, quản trị của quốc tế theo JETP. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
+ Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo:
++ Dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
++ Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
(Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023)
- Định hướng:
Thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo sử dụng năng lượng sinh khối, khí sinh học, năng lượng mặt trời trong sản xuất nhiệt ở các khu vực công nghiệp, thương mại và dân dụng.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Tổng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất nhiệt và đồng phát nhiệt điện vào năm 2030 khoảng 8,0 - 9,0 triệu tấn dầu quy đổi, đến năm 2050 khoảng 17,0 -19,0 triệu tấn dầu quy đổi.
+ Phát triển năng lượng mặt trời: tăng diện tích hấp thụ của các giàn nước nóng năng lượng mặt trời trong thương mại dịch vụ, dân dụng và sản xuất công nghiệp cung cấp khoảng 3,1 triệu tấn dầu quy đổi năm 2030 và định hướng khoảng 6 triệu tấn dầu quy đổi năm 2050.
+ Phát triển nhiên liệu sinh học và khí sinh học:
++ Sử dụng nhiên liệu sinh học đạt khoảng 0,28 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và định hướng 13,0 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
++ Sử dụng khí sinh học với thể tích xây dựng dự kiến khoảng 60 triệu m3 vào năm 2030 và định hướng khoảng 100 triệu m3 vào năm 2050.
(Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023)
- Định hướng:
Phát triển của các dạng năng lượng tái tạo bao gồm nhiên liệu sinh học, hydro, amoniac và các nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hydro sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không), công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác...), tòa nhà dân dụng và thương mại nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước phi các-bon hóa nền kinh tế. Xây dựng lộ trình công nghệ cho sản xuất và sử dụng nhiên liệu hydro và các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Nâng cao sản lượng hydro sản xuất thông qua các quá trình điện phân và quá trình khác có thu giữ các-bon đạt 100 - 200 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10,0 - 20,0 triệu tấn vào năm 2050.
+ Nâng cao sản lượng nhiên liệu tổng hợp định hướng khoảng 2,0 - 3,0 triệu tấn vào năm 2050.
+ Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp thu hồi, sử dụng và tồn trữ các-bon trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nhà máy điện đạt khả năng thu giữ khoảng 1 triệu tấn vào năm 2040 và định hướng khoảng 3-6 triệu tấn vào năm 2050.
(Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023)