Hướng dẫn xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì việc xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
- Khi thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trên cơ sở đề nghị của hiệp hội ngành, nghề, thương nhân có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác thực hiện các hoạt động trợ giúp sau đây cho thương nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:
+ Cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc;
+ Trao đổi với nước nhập khẩu đang điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
+ Khởi kiện nước nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
+ Các hoạt động trợ giúp khác theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xây dựng phương án để phối hợp với Cơ quan điều tra của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trả đũa theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nguyên tắc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 84 Nghị định 10/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương 2017 được thực hiện trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của thương nhân, hiệp hội ngành, nghề liên quan.
- Việc khởi kiện nước nhập khẩu quy định tại Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương 2017 được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên cơ sở thông tin thu thập và sau khi phối hợp, trao đổi các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan có thẩm quyền khác, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khởi kiện.
- Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách đặc thù cho các hoạt động trợ giúp thương nhân theo quy định tại Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương 2017.
- Các hoạt động trợ giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân Việt Nam phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Các thông tin cung cấp cho thương nhân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương 2017 là các thông tin được cơ quan có liên quan của nước nhập khẩu công bố hoặc được phép công bố theo các quy định tại Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(Theo Điều 85 Nghị định 10/2018/NĐ-CP)