Hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
02/10/2024 18:15 PM

Nội dung bài viết hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật hiện hành.

Hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy

Hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy (Hình ảnh từ Internet)

1. Hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng trong phòng cháy, chữa cháy

Tại Điều 30 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng như sau:

- Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập đội dân phòng trên cơ sở đề xuất của Trưởng thôn và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, nơi làm việc, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội dân phòng.

- Bố trí lực lượng dân phòng:

+ Đội dân phòng có biên chế từ 10 người đến 20 người, trong đó 01 đội trưởng và 01 đội phó; biên chế trên 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01 đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 09 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng.

- Thành viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú.

- Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng dân phòng.

2. Hướng dẫn thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành

- Người đứng đầu cơ sở và người đứng đầu cơ quan, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có trách nhiệm thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 có trách nhiệm thành lập và duy trì đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

- Bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành:

+ Cơ sở có dưới 10 người thường xuyên làm việc thì tất cả những người làm việc tại cơ sở đó là thành viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và do người đứng đầu cơ sở chỉ huy, chỉ đạo;

+ Cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 10 người, trong đó có 01 đội trưởng;

+ Cơ sở có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 15 người, trong đó có 01 đội trưởng và 01 đội phó;

+ Cơ sở có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tối thiểu là 25 người, trong đó có 01 đội trưởng và 02 đội phó;

+ Cơ sở có nhiều phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập có trên 100 người thường xuyên làm việc thì mỗi bộ phận, phân xưởng có 01 tổ phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; biên chế của tổ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu 05 người, trong đó có 01 tổ trưởng;

+ Cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới thì biên chế đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành phải bảo đảm duy trì số người thường trực đáp ứng theo cơ số của phương tiện chữa cháy cơ giới;

+ Đối với trạm biến áp được vận hành tự động, có hệ thống phòng cháy và chữa cháy tự động được liên kết, hiển thị, cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản và có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì không phải thành lập và duy trì lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Cơ quan, tổ chức trực tiếp vận hành, quản lý trạm biến áp phải chịu trách nhiệm duy trì và bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với trạm biến áp do mình quản lý.

- Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.

(Theo Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 503

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn