Cách đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ của học sinh THCS, THPT năm học 2024-2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
06/09/2024 09:44 AM

Từ năm học 2024-2025, việc đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ của học sinh THCS, THPT sẽ được thống nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Cách đánh giá định kỳ học sinh THCS, THPT năm học 2024-2025

Cách đánh giá định kỳ học sinh THCS, THPT năm học 2024-2025 (Hình từ Internet)

Cách đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ của học sinh THCS, THPT năm học 2024-2025

Từ năm học 2024-2025, việc đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ của học sinh THCS, THPT sẽ được thống nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Cụ thể, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ là các nội dung thuộc đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập). Các kỳ đánh giá này sẽ được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Trong đó:

- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

(2) Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì.

(3) Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có 01 (một) điểm đánh giá giữa kì (sau đây viết tắt là ĐĐGgk) và 01 (một) điểm đánh giá cuối kì (sau đây viết tắt là ĐĐGck).

(4) Những học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định tại (2), (3) nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.

Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng học kì.

(5) Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định tại (4) thì được đánh giá mức Chưa đạt hoặc nhận 0 (không) điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.

(Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT)

Thế nào là đánh giá định kỳ?

Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, đánh giá định kì là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện và học tập sau một giai đoạn trong năm học nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin phản hồi cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh để điều chỉnh hoạt động dạy học; xác nhận kết quả đạt được của học sinh.

Quyền của học sinh THCS, THPT năm học 2024-2025

Cụ thể tại Điều 35 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT), học sinh THCS, THPT sẽ có các quyền như sau:

- Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể thao của nhà trường theo quy định.

- Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lóp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT).

- Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện.

- Được nhận học bổng hoặc trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh có khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt.

- Được chuyển trường nếu đủ điều kiện theo quy định; thủ tục chuyển trường thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 74

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn