Các nguyên tắc trong việc huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
22/08/2024 18:15 PM

Bài viết sau có nội dung về các nguyên tắc trong việc huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở được quy định trong Luật Nhà ở 2023.

Các nguyên tắc trong việc  huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở

Các nguyên tắc trong việc  huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở (HÌnh từ Internet)

1. Các nguyên tắc trong việc  huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở

Theo quy định tại Điều 116 Luật Nhà ở 2023 thì các nguyên tắc trong việc  huy động, sử dụng vốn để phát triển nhà ở bao gồm:

- Việc huy động vốn để phát triển nhà ở phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

+ Huy động đúng hình thức;

+ Có đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định của pháp luật về nhà ở;

+ Phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023;

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp huy động nguồn vốn của Nhà nước theo quy định tại Điều 113 Luật Nhà ở 2023 thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công;

+ Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 114 Luật Nhà ở 2023 chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng;

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm e khoản 1 Điều 116 Luật Nhà ở 2023 hoặc hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

- Việc huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.

- Việc sử dụng vốn để phát triển nhà ở phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

+ Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có vốn được huy động;

+ Phải sử dụng vào mục đích để phát triển nhà ở và thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác;

+ Việc bố trí và sử dụng nguồn vốn để phát triển nhà ở phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

2. Hướng dẫn vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội

Việc vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội được quy định cụ thể tại Điều 117 Luật Nhà ở 2023 như sau:

- Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

- Ngân hàng chính sách xã hội được huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định.

- Ngân hàng chính sách xã hội phải lập khoản mục riêng để quản lý và sử dụng nguồn vốn theo đúng mục đích quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 117 Luật Nhà ở 2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,207

Bài viết về

Nhà ở

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]