Thời giờ làm việc của cán bộ, công chức và viên chức theo Quyết định 188

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
08/08/2024 14:02 PM

Sau đây là quy định về thời giờ làm việc của cán bộ, công chức và viên chức theo Quyết định 188/1999/QĐ-TTg.

Thời giờ làm việc của cán bộ, công chức và viên chức theo Quyết định 188

Thời giờ làm việc của cán bộ, công chức và viên chức theo Quyết định 188 (Hình từ Internet)

1. Thời giờ làm việc của cán bộ, công chức và viên chức theo Quyết định 188

Theo Quyết định 188/1999/QĐ-TTg quy định chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là đơn vị).

Khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, các đơn vị phải bảo đảm các điều kiện sau :

- Hoàn thành khối lượng công việc được giao, bảo đảm số lượng, chất lượng và hiệu quả;

- Giữ nghiêm kỷ luật lao động;

- Không tăng chi phí hành chính; không tăng biên chế, không tăng quỹ lương; trừ một số trường hợp đặc biệt quỹ tiền lương có thể tăng nhưng tổng chi phí nói chung không tăng;

- Bảo đảm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân;

- Đối với các đơn vị làm việc liên tục 24/24 giờ, phải sắp xếp, tổ chức chế độ ca, kíp hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có để bảo đảm các điều kiện nêu trên;

- Đối với các đơn vị do tính chất công việc không thực hiện nghỉ hàng tuần vào ngày thứ bảy và chủ nhật thì sắp xếp nghỉ vào ngày khác trong tuần.

2. Quyền của cán bộ, công chức

Quyền của cán bộ, công chức theo Điều 11, 12, 13 và 14 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

* Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ

- Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.

- Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.

- Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

* Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

- Được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

- Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

* Quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi

Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

* Các quyền khác của cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ

Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ theo Điều 18 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

- Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

- Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 36,351

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn