Ngày tựu trường của học sinh cả nước năm học 2024 - 2025 là ngày nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
06/08/2024 09:58 AM

Ngày tựu trường của học sinh cả nước năm học 2024 - 2025 là ngày nào? Các mốc thời gian của năm học 2024 - 2025?

Ngày tựu trường của học sinh cả nước năm học 2024-2025 là ngày nào?

Ngày tựu trường của học sinh cả nước năm học 2024 - 2025 là ngày nào? (Hình từ internet)

Ngày 01/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT về Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Ngày tựu trường của học sinh cả nước năm học 2024 - 2025 là ngày nào?

Cụ thể, tại Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc, theo đó:

- Tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

- Tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2024.

Như vậy, theo mốc thời gian trên của Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT năm 2024 thì năm học 2024 - 2025, học sinh trên cả nước (trừ học sinh lớp 1) sẽ tựu trường sớm nhất trước ngày khai giảng 01 tuần (tức ngày 29/8/2024).

Còn đối với các em học sinh lớp 1 sẽ tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày khai giảng (tức ngày 22/8/2024).

Các mốc thời gian của năm học 2024 - 2025

- Tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2024.

- Kết thúc học kỳ I trước ngày 18/01/2025, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.

- Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2025.

- Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2025.

- Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27 tháng 6 năm 2025.

- Các kỳ thi cấp quốc gia khác được tổ chức theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

(Theo Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT)

 Hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam hiện nay

- Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

- Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

+ Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

+ Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

+ Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

+ Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

- Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

(Điều 6 Luật Giáo dục 2019)

Cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông theo quy định hiện nay

- Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:

+ Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;

+ Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;

+ Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.

- Trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 bao gồm:

+ Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;

+ Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp một; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Giáo dục 2019.

(Điều 28 Luật Giáo dục 2019)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,946

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn