Tải App trên Android

Hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/07/2024 15:00 PM

Bài viết sau có nội dung về hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp mới nhất được quy định trong Thông tư 09/2023/TT-BTP.

Hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp mới nhất

Hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp mới nhất (Hinhf từ Internet)

1. Giám định tư pháp là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020) thì giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến:

Hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012.

2. Hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp mới nhất

Việc thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp được quy định cụ thể tại Điều 13 Thông tư 09/2023/TT-BTP như sau:

- Việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tư pháp được tiến hành như sau:

+ Nghiên cứu, phân tích kỹ hồ sơ trưng cầu, đối tượng giám định và các tài liệu, thông tin được người trưng cầu, yêu cầu giám định đã giao, cung cấp;

+ Xác định rõ đối tượng, những nội dung chuyên môn cần xem xét, đánh giá;

+ Tiến hành khảo sát hoặc xác minh vấn đề cần thiết có liên quan mà người trưng cầu, yêu cầu giám định không thể cung cấp được tài liệu, thông tin về vấn đề đó (nếu có);

+ Tiến hành so sánh, đối chiếu vấn đề hoặc đối tượng cần giám định với quy chuẩn chuyên môn về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định;

+ Đưa ra nhận xét, đánh giá, nêu ý kiến chuyên môn cụ thể, rõ ràng về vấn đề hoặc đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định;

+ Xây dựng, ban hành bản kết luận giám định;

+ Lập hồ sơ giám định.

- Trong quá trình thực hiện giám định, người giám định tư pháp có thể sử dụng ý kiến hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác đưa ra, phục vụ cho việc giám định.

- Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết và thống nhất phương án giải quyết.

- Người thực hiện giám định phải lập văn bản ghi nhận toàn bộ quá trình thực hiện giám định theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi khoản 17 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020) và theo biểu mẫu quy định tại Điều 19 Thông tư 09/2023/TT-BTP.

3. Hướng dẫn chuẩn bị giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp

Theo Điều 12 Thông tư 09/2023/TT-BTP thì việc chuẩn bị giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp được quy định như sau:

- Trên cơ sở nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định và hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu kèm theo, người thực hiện giám định xác định sơ bộ nội dung chuyên môn, công việc cần thực hiện; yêu cầu người trưng cầu giám định cung cấp bổ sung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu cần thiết cho việc giám định trong trường hợp chưa được cung cấp đầy đủ.

- Người thực hiện giám định lập đề cương giám định, trường hợp cần thiết thì gửi lấy ý kiến người trưng cầu, yêu cầu giám định. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, người trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm gửi văn bản trả lời đối với đề cương giám định.

Đề cương giám định bao gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Đối tượng hoặc nội dung cần giám định và phạm vi giám định; thời gian dự kiến hoàn thành việc giám định;

+ Xác định phương pháp thực hiện giám định, các quy chuẩn chuyên môn được áp dụng;

+ Xác định nội dung, chi tiết cần xác minh hoặc khảo sát đối tượng giám định phục vụ cho việc giám định (nếu cần thiết);

+ Dự kiến phương tiện, vật tư, trang thiết bị được sử dụng (nếu có);

+ Dự kiến chi phí cần cho việc thực hiện giám định; tạm ứng và thanh toán chi phí giám định;

+ Các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.

- Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định lập hồ sơ đề nghị tạm ứng chi phí giám định và gửi người trưng cầu, yêu cầu giám định. Người trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm xem xét và thực hiện việc tạm ứng theo đề nghị cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định theo quy định của pháp luật.

Võ Tấn Đại

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,112

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]