Hướng dẫn quản lý chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/07/2024 15:30 PM

Quản lý chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm là nội dung được quy định tại Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Hướng dẫn quản lý chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm

Hướng dẫn quản lý chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm

Theo Điều 33 Thông tư 67/2023/TT-BTC quy định về tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm như sau:

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm một phần nhưng không được tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm, nhận tái bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong và ngoài nước, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tính toán mức giữ lại cho từng loại hình bảo hiểm và theo từng loại rủi ro; mức giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ. Mức giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đảm bảo quy định tại khoản 4 và 5 Điều 33 Thông tư 67/2023/TT-BT.

- Khi tính toán mức giữ lại, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải xem xét đến các yếu tố sau:

+ Các quy định pháp luật về khả năng thanh toán;

+ Năng lực khai thác;

+ Khả năng tài chính;

+ Khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

+ Việc thu xếp bảo vệ cho các rủi ro lớn và các rủi ro thảm họa;

+ Việc cân đối các kết quả hoạt động kinh doanh;

+ Các yếu tố cấu thành của danh mục hợp đồng bảo hiểm;

+ Diễn biến thị trường tái bảo hiểm trong nước và quốc tế.

- Mức giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu.

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% mức trách nhiệm bảo hiểm. Tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm là một trong các trường hợp sau:

+ Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tái bảo hiểm cho một hoặc một số doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm đã được chỉ định đó;

+ Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thu xếp tái bảo hiểm qua một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được chỉ định đó.

Trường hợp tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại Điều 33 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể nhận tái bảo hiểm trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác đã nhận bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và không được nhận tái bảo hiểm đối với chính những rủi ro đã nhượng tái bảo hiểm.

- Đối với các loại hình tái bảo hiểm hạn chế (finite reinsurance), trong vòng 07 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có văn bản do người đại diện theo pháp luật ký thông báo cho Bộ Tài chính. Thông báo bao gồm các nội dung chính của hợp đồng tái bảo hiểm, mục đích ký kết hợp đồng, cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và chế độ kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

2. Hướng dẫn quản lý chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm

Theo Điều 34 Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm như sau:

* Phê duyệt chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm:

- Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Giám đốc chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm phê duyệt chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm phù hợp với năng lực tài chính, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh và các quy định pháp luật hiện hành; xem xét, đánh giá, điều chỉnh chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm theo định kỳ hàng năm hoặc khi tình hình thị trường có sự thay đổi;

- Chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Xác định khả năng chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

+ Xác định mức giữ lại phù hợp với rủi ro bảo hiểm được chấp nhận, những giới hạn về mức giữ lại trên một đơn vị rủi ro và mức bảo vệ tối đa từ doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm;

+ Xác định các loại hình và phương thức tái bảo hiểm phù hợp nhất với việc quản lý các rủi ro được chấp nhận;

+ Phương thức, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm, bao gồm cách thức đánh giá mức độ rủi ro và an toàn tài chính của doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm;

+ Danh sách các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm dự kiến sẽ nhận tái bảo hiểm, lưu ý đến sự đa dạng hóa và xếp hạng các nhà nhận tái bảo hiểm;

+ Phương thức sử dụng khoản tiền đặt cọc của doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm (nếu có);

+ Quản lý rủi ro tích tụ đối với những lĩnh vực, vùng địa lý và các loại sản phẩm đặc thù;

+ Cách thức kiểm soát chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm bao gồm hệ thống báo cáo và kiểm soát nội bộ.

* Tổ chức thực hiện chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm:

Trên cơ sở chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm đã được phê duyệt, Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Giám đốc chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm ban hành quy trình, hướng dẫn nội bộ về hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, bao gồm:

- Xác định giới hạn trách nhiệm tự động được bảo hiểm theo hợp đồng tái bảo hiểm cố định đối với mỗi loại hình bảo hiểm;

- Xây dựng tiêu chuẩn đối với các hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời;

- Đối chiếu các quy tắc, điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm gốc với điều khoản của hợp đồng tái bảo hiểm để đảm bảo mỗi rủi ro đều được tái bảo hiểm.

* Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thường xuyên danh sách các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm, kèm theo các thông tin về mức độ rủi ro, khả năng, mức độ sẵn sàng chi trả bồi thường tương ứng với trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm; yêu cầu đặt cọc tương ứng với mức độ rủi ro và hệ số tín nhiệm của từng doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm (nếu có).

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn