Tải App trên Android

Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư mới nhất năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
17/06/2024 16:30 PM

Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư là giấy tờ quan trọng trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Dưới đây là mẫu văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư mới nhất năm 2024.

Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư mới nhất năm 2024 (Hình từ internet)

1. Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư mới nhất năm 2024

Hiện nay, mẫu văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư được quy định tại Mẫu A.I.5 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT như sau:

Lưu ý: 

Đối với nhà đầu tư cá nhân và người đại diện theo pháp luật là công dân có quốc tịch Việt Nam hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng lựa chọn sử dụng quốc tịch Việt Nam thì chỉ khai các thông tin: họ và tên, mã định danh cá nhân, địa chỉ liên hệ, điện thoại, email.

 Đối với các nhà đầu tư cá nhân và người đại diện theo pháp luật là công dân có quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng lựa chọn sử dụng quốc tịch nước ngoài thì khai các thông tin như hiện hành.

(khoản 4 Điều 1 Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT)

2. Quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư 

Theo Điều 29 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi bổ sung tại Điều 250 Luật Đất đai 2024) quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư như sau:

(1) Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:

- Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

- Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản (3) và khoản (4).

(2) Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

(3) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:

- Đấu giá quyền sử dụng đất không thành theo quy định của Luật Đất đai 2024;

- Chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng điều kiện mời quan tâm trong trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

(4) Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:

- Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;

- Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

- Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 

Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại khoản 3, 4 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) bao gồm:

- Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có);

- Đánh giá nhu cầu sử dụng đất;

- Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);

- Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

- Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đối với trường hợp thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư,  nội dung bao gồm:

- Các nội dung thẩm định theo quy định nêu trên;

- Khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; khả năng đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;

- Đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

- Các điều kiện khác đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,363

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]