Tải app trên IOS

Vi phạm giao thông không nộp phạt mà bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý theo quy định này

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/05/2024 13:30 PM

Người vi phạm giao thông không nộp phạt mà bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Vi phạm giao thông không nộp phạt mà bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý theo quy định này

 Vi phạm giao thông không nộp phạt mà bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý theo quy định này (Hình từ internet)

Vi phạm giao thông không nộp phạt mà bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý theo quy định này

Theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020)     về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 - Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

- Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Như vậy, nếu người vi phạm trốn tránh không nộp phạt mà bỏ xe lại thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Ngoài ra, tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020) về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có quy định:

- Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

+ Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020);

+ Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020).”.

- Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

+ Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

+ Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

+ Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020).

-  Chính phủ quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định trên, thì người vi phạm nếu không chấp nhận quyết định xử phạt thì có thể bị cưỡng chế bằng các biện pháp đã nêu ở quy định trên.

Xử lý tang vật, phương tiện của người vi phạm bị tạm giữ

Theo khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020) về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như sau:

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung 2020)y khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

 - Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

 - Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,696

Bài viết về

Mức phạt vi phạm giao thông

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]