Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm những hệ thống nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/05/2024 17:00 PM

Xin cho tôi hỏi hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm những hệ thống nào? - Bảo Trân (Bắc Ninh)

Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm những hệ thống nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Luật An ninh mạng 2018 quy định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.

2. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm những hệ thống nào?

Theo khoản 2 Điều 10 Luật An ninh mạng 2018quy định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:

(1) Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu;

(2) Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước;

(3) Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng;

(4) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái;

(5) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia;

(6) Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương;

(7) Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí;

(8) Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Căn cứ xác lập hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thế nào?

Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm:

- Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng 2015.

- Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

- Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, điều khiển hoạt động của công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.

- Hệ thống thông tin thuộc các lĩnh vực được quy định tại khoản (2) mục 1 khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ gây ra một trong các hậu quả sau đây:

+ Trực tiếp tác động đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự tồn tại của chế độ và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại làm suy yếu khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân;

+ Gây thảm họa đối với đời sống con người, môi trường sinh thái;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động của công trình xây dựng cấp đặc biệt theo phân cấp của pháp luật về xây dựng;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước;

+ Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương.

(Điều 3 Nghị định 53/2022/NĐ-CP)

4. Ứng phó sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia như thế nào? 

Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định tại Điều 15 Luật An ninh mạng 2018 như sau:

- Hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:

+ Phát hiện, xác định sự cố an ninh mạng;

+ Bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ;

+ Phong tỏa, giới hạn phạm vi xảy ra sự cố an ninh mạng, hạn chế thiệt hại do sự cố an ninh mạng gây ra;

+ Xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi cần ứng cứu;

+ Xác minh, phân tích, đánh giá, phân loại sự cố an ninh mạng;

+ Triển khai phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;

+ Xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc;

+ Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia xây dựng phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; triển khai phương án ứng phó, khắc phục khi sự cố an ninh mạng xảy ra và kịp thời báo cáo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền.

- Điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định như sau:

+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an chủ trì điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trừ trường hợp quy định được nêu dưới đây; tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia khi có yêu cầu; thông báo cho chủ quản hệ thống thông tin khi phát hiện có tấn công mạng, sự cố an ninh mạng;

+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin quân sự;

+ Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng xảy ra đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia khi có yêu cầu của lực lượng chủ trì điều phối.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,436

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn