Hai lần “nới van”, vì sao gói 30 nghìn tỷ đồng vẫn nghẽn?

20/02/2014 14:03 PM

Tám tháng áp dụng gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cho người thu nhập thấp vay mua nhà, đến nay mới chỉ giải ngân được 3,56%. Điều đáng nói, cả Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã hai lần ban hành các thông tư, hướng dẫn nới lỏng thủ tục, điều kiện nhằm “mở van” cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận gói 30 nghìn tỷ nhưng hiện trạng vẫn không khả thi.

Nới van để kích hoạt

Gói hỗ trợ chính thức áp dụng kể từ 1/6/2013 nhưng mấy tháng đầu số người đến hỏi thủ tục vay mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước hiện trạng đó, tháng 11/2013, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD  về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02  của Chính phủ. Theo đó, nhiều điều kiện được nới rộng. Với đối tượng và hộ gia đình, ngoài quy định chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội, có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2sử dụng/người… sẽ được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, thì trong thông tư này, Bộ Xây dựng đưa thêm điều kiện để được vay vốn mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng là: “Chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh”. Về xác định điều kiện vay vốn, thông tư quy định, người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng nói trên phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập...

Đến đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước quyết định “mở van”, lần này nhằm vào lãi suất. Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11 ngày 15/5/2013 là 5%/năm. Với mức này, lãi suất cho vay hỗ trợ đã giảm 1%/năm so với trước đây.

Tuy nhiên, sau hai lần nới “van”, đến nay việc giải ngân gói tín dụng vẫn rất khó khăn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31/1/2014, có 2.246 khách hàng được ngân hàng cam kết cho vay với tổng số tiền đạt 2.324,3 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 2.218 khách hàng với tổng dư nợ 1.068,5 tỷ đồng. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho 2.231 khách hàng vay với tổng số tiền 801,6 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 2.208 khách hàng với dư nợ 533,7 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, đã giải ngân cho 10 doanh nghiệp (11 dự án) với số tiền là 534,8 tỷ đồng.

Riêng tháng 1-2014, là tháng đầu áp dụng lãi suất chỉ 5%, NHNN xác nhận việc đăng ký cho vay hỗ trợ nhà ở bằng nguồn tái cấp vốn đối với 3 dự án, nâng tổng số dự án được xác nhận lên 16 dự án. Như vậy, tính đến thời điểm này, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được 3,56%. Đây là con số quá thấp so những tính toán ban đầu, nhưng đã là sự cố gắng lớn của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước.

Tại sao “nới van” vẫn nghẽn?

Câu hỏi đặt ra là tại sao van nới lỏng hai lần, việc cho vay vẫn nghẽn?

Về lãi suất, hiện thị trường cho vay dao động khoảng trên dưới 9%/năm, so với 6% trước đây và nay là 5% thì chỉ bằng 60%. Mức lãi suất như vậy là ưu đãi, đã hỗ trợ được nhiều cho người vay. Tuy nhiên, lãi suất mới chỉ là một vấn đề. Có ý kiến nói, nên hạ xuống còn 3-4%. Chúng tôi cho rằng, hạ xuống thấp nữa sẽ ảnh hưởng nhiều yếu tố, có thể bị lợi dụng, trong khi mục tiêu để người nghèo vay mua nhà không dễ đạt được.


Trong khi đó, về đối tượng, điều kiện được vay mua nhà, dù đã nới nhưng vẫn còn hẹp cửa. Theo các chuyên gia, Thông tư 18 của Bộ Xây dựng chủ yếu mới chỉ mở rộng đối tượng thuộc diện được vay vốn mua nhà, còn chưa tháo gỡ được những vướng mắc trong giấy tờ, thủ tục như việc chứng minh khả năng trả nợ, xác nhận tình trạng nhà ở rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Thông tư 18 không yêu cầu người vay vốn phải xác nhận điều kiện thu nhập, nhưng lại nêu rõ trừ trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng. Quy định này khiến cho người mua nhà bất lợi vì ngân hàng nào cũng yêu cầu chứng minh thu nhập.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: Thủ tục được gỡ vướng, gói tín dụng trở nên hấp dẫn hơn, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu thì người dân có vay được tiền cũng chưa biết mua nhà ở đâu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng phân tích 4 nguyên nhân khiến gói tín dụng nghẽn như do đây là chính sách mới, một số ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay còn quá thận trọng, chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn...

Cũng có ý kiến đề nghị nâng thời gian cho vay lên 15 đến 20 năm thay 10 năm như hiện nay để người nghèo có điều kiện trả nợ dần.

Chúng tôi cho rằng, những lý do nói trên là có cơ sở. Tuy nhiên, điều quan trọng khiến gói hỗ trợ nghẽn, về bản chất nằm ở hai yếu tố sau. Một là, do thị trường nhà đất đang xuống dốc, giá nhà đất vẫn tiếp tục giảm. Dù là mua để ở hay mua đầu cơ, dùng đồng tiền của mình có được để mua cũng không mấy người dám làm, huống gì đi vay, độ rủi ro khá lớn (vay mua vừa phải trả lãi, nhà đất mất giá theo thời gian). Thứ hai, với người có nhu cầu cần mua nhà, tính toán giữa vay mua và tích cóp, ít người mạo hiểm với phương pháp vay. Chẳng hạn, để vay 800 triệu mua nhà thu nhập thấp, lãi suất 5% thì mỗi năm phải trả riêng tiền lãi là 40 triệu, mỗi tháng khoảng 3,3 triệu. Nếu thu nhập hai vợ chồng mức trung bình 10-15 triệu mỗi tháng thì tiền dôi ra cũng chỉ đủ để trả tiền lãi, còn số tiền gốc không có khả năng trả nợ. Còn nếu thu nhập khá vài chục triệu đồng trở lên, họ sẽ chọn phương án tích cóp thay cho vay mua để tránh tiền lãi và sự mất giá của nhà đất sau khi mua.

Cùng với đó, thủ tục vay mua còn rất rườm rà, theo tính toán phải qua hàng loạt cấp xác nhận, mỗi cấp như vậy để được xác nhận rất khó khăn (như việc để UBND cấp phường xác nhận chưa có nhà hoặc nhà chật). Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, các thủ tục yêu cầu giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng này là bắt buộc, vì đây là hỗ trợ, nếu không làm chặt, sai đối tượng dẫn đến lợi dụng, tham nhũng, gây thất thoát, dư luận không đồng tình. Nhưng không phải vì làm chặt mà làm chậm. Những ai có nhu cầu thì phải được hỗ trợ, trách nhiệm này không chỉ riêng Bộ Xây dựng mà Ngân hàng và các địa phương phải vào cuộc.

Chúng ta cần thêm thời gian nữa để có đánh giá đầy đủ về gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ. Nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục “đóng băng” như hai năm qua và sau khi đã “nới van” vẫn không giải ngân được, lúc đó sẽ có đủ cơ sở tính toán để quyết định tiếp tục hay dừng.

Thị trường nhà đất trầm lắng khiến gói 30 nghìn tỷ khó giải ngân.

Điều kiện để vay vốn gói 30.000 tỷ:

- Khách hàng mua căn hộ thương mại giá rẻ, dự án nhà ở xã hội có diện tích căn hộ dưới 70m2, đơn giá bán bao gồm thuế VAT dưới 15 triệu/m2.

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội. Cụ thể là:

+ Có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2sử dụng/người.

+ Có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

+ Chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Theo Thông tư 18/2013  của Bộ Xây dựng

Minh Phan

Theo cand.com.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,714

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn