Trường dân lập là gì? Điều kiện thành lập nhà trẻ dân lập

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/04/2024 17:30 PM

Cho tôi hỏi trường dân lập là gì và điều kiện thành lập nhà trẻ dân lập được quy định như thế nào? – Việt Hương (Bắc Giang)

Trường dân lập là gì? Điều kiện thành lập nhà trẻ dân lập

Trường dân lập là gì? Điều kiện thành lập nhà trẻ dân lập (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Trường dân lập là gì?

Theo Điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Giáo dục 2019 thì Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Lưu ý: Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.

Điều kiện thành lập nhà trẻ dân lập

Căn cứ Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục như sau:

- Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.

Thủ tục thành lập nhà trẻ dân lập

Tại Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định thủ tục thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.

- Hồ sơ gồm:

+ Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;

+ Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ

(điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)

Trong đề án cần nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 03 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong từng giai đoạn;

- Trình tự thực hiện:

+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

(Điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

(Điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)

- Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập bị hủy bỏ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trẻ dân lập

Tại Điều 4 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập Ban hành kèm theo Thông tư 21/2012/QĐ-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường, nhà trẻ dân lập như sau:

- Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi theo Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

- Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; tổ chức giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

- Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

- Phối hợp với gia đình, tổ chức và cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng.

- Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non, góp phần cùng Nhà nước chăm lo sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu xã hội.

- Có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định và yêu cầu của các cơ quan có liên quan.

- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,680

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]