Kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân bằng những hình thức nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
08/04/2024 12:15 PM

Xin cho tôi hỏi kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân bằng những hình thức nào? - Bảo Châu (Bắc Ninh)

Kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân bằng những hình thức nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân bằng những hình thức nào?

Theo Điều 14 Thông tư 09/2021/TT-BCA quy định về hình thức, biện pháp kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân như sau:

(1) Kiểm tra thường xuyên

Kiểm tra thường xuyên là việc các đơn vị làm công tác kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân định kỳ hằng tháng tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân của các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ.

Căn cứ vào kế hoạch hoặc lịch kiểm tra, Tổ kiểm tra trực tiếp làm việc hoặc thông báo với đơn vị, địa phương được kiểm tra về nội dung, chương trình, thời gian kiểm tra, đề nghị đơn vị, địa phương phối hợp kiểm tra theo kế hoạch.

(2) Kiểm tra đột xuất

Kiểm tra đột xuất là hình thức kiểm tra công khai, không thông báo trước cho đơn vị, địa phương và cá nhân được kiểm tra biết. Tổ kiểm tra căn cứ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên hoặc kế hoạch kiểm tra để tổ chức kiểm tra độc lập. Sau khi kiểm tra xong thông báo kết quả kiểm tra cho đơn vị, địa phương biết.

(3) Kiểm tra bí mật kết hợp với công khai

Kiểm tra bí mật kết hợp với công khai là hình thức cán bộ làm công tác kiểm tra điều lệnh mặc thường phục, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh về lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ. Ngay sau đó thông báo cho lực lượng kiểm tra công khai trong tổ kiểm tra biết để tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và xử lý vi phạm (nếu có). Việc kiểm tra bí mật kết hợp với công khai phải thực hiện đúng theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật và ngành Công an.

(4) Kiểm tra bí mật

Kiểm tra bí mật là hình thức hóa trang, mặc thường phục, bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh về lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân của đơn vị, tổ công tác hoặc của cán bộ, chiến sĩ; trên cơ sở tài liệu, hình ảnh, âm thanh thu được, Tổ kiểm tra xác định các lỗi vi phạm để báo cáo cấp trên làm cơ sở xử lý. Trường hợp cần thiết, Tổ kiểm tra xuất trình Giấy kiểm tra điều lệnh hoặc kế hoạch kiểm tra cho người được kiểm tra biết; lập biên bản về lỗi vi phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho đơn vị quản lý tập thể, cá nhân vi phạm biết để xử lý theo quy định. Chỉ kiểm tra bí mật khi cần đánh giá đúng thực trạng tình hình chấp hành điều lệnh của đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. Việc kiểm tra bí mật phải thực hiện đúng theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật và ngành Công an.

Như vậy, theo quy định nêu trên việc kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân được thực hiện bằng những hình thức như: Kiểm tra thường xuyên; Kiểm tra đột xuất; Kiểm tra bí mật kết hợp với công khai; Kiểm tra bí mật.

2. Cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân có quyền hạn gì?

Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BCA quy định quyền hạn của cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân như sau:

- Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản vi phạm điều lệnh Công an nhân dân

+ Lãnh đạo, cán bộ Phòng Điều lệnh, quân sự, võ thuật thuộc Cục Công tác đảng và công tác chính trị được nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản và yêu cầu xử lý đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân trong toàn lực lượng Công an;

+ Lãnh đạo, cán bộ kiểm tra điều lệnh Công an đơn vị, địa phương được:

Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản và đề nghị xử lý đối với đơn vị, cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân thuộc đơn vị, địa phương mình.

Nhắc nhở, chấn chỉnh, lập biên bản đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên của đơn vị, địa phương khác, học viện, trường Công an nhân dân đến công tác, học tập, sinh hoạt tại đơn vị, địa phương mình nếu có vi phạm điều lệnh Công an nhân dân; đối với cán bộ, chiến sĩ, học viên của các cơ quan, đơn vị, học viện, trường Công an nhân dân đóng quân trên địa phương mình khi những cán bộ, chiến sĩ, học viên đó vi phạm điều lệnh Công an nhân dân ngoài cơ quan, doanh trại đóng quân. Sau khi kiểm tra, lập biên bản, phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị, địa phương quản lý cán bộ vi phạm biết để xử lý theo quy định, đồng thời gửi thông báo về Cục Công tác đảng và công tác chính trị để theo dõi chung.

- Tạm giữ tài liệu, phương tiện, đồ vật có liên quan đến lỗi vi phạm điều lệnh Công an nhân dân để phục vụ công tác xử lý. Việc tạm giữ phải lập biên bản theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BCA.

- Được sử dụng các phương tiện, kỹ thuật như: Ô tô, mô tô, máy ghi hình (camera), máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy đo nồng độ cồn khi thực hiện nhiệm vụ.

- Được hóa trang (không mặc trang phục Công an nhân dân) khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra bí mật và kiểm tra bí mật kết hợp với công khai.

- Yêu cầu cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều lệnh Công an nhân dân về trụ sở cơ quan hoặc đơn vị Công an nơi gần nhất để giải quyết.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 947

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn