Những trường hợp nào hàng hóa được hạ giá mà không vi phạm pháp luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
09/01/2024 16:15 PM

Xin cho tôi hỏi những trường hợp nào hàng hóa được hạ giá mà không vi phạm pháp luật? - Thu Uyên (Bình Dương)

Những trường hợp nào hàng hóa được hạ giá mà không vi phạm pháp luật? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Những trường hợp nào hàng hóa được hạ giá mà không vi phạm pháp luật?

Theo khoản 6 Điều 11 Luật Giá 2012 có quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau:

- Hàng tươi sống;

- Hàng hóa tồn kho;

- Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;

- Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;

- Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.

Như vậy, nếu hàng hóa thuộc một trong các trường hợp nêu trên, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với hàng hóa. 

2. Những loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

Tại Điều 15 Luật Giá 2012 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như sau:

- Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau:

+ Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông;

+ Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

- Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm:

+ Xăng, dầu thành phẩm;

+ Điện;

+ Khí dầu mỏ hóa lỏng;

+ Phân đạm; phân NPK;

+ Thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;

+ Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;

+ Muối ăn;

+ Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi;

+ Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;

+ Thóc, gạo tẻ thường;

+Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định nêu trên, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại mục 3 quyết định loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá phù hợp trong từng thời kỳ.

3. Thẩm quyền và trách nhiệm quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá

Căn cứ Điều 18 Luật Giá 2012 quy định thẩm quyền và trách nhiệm quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá như sau:

- Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá đối với các trường hợp quy định tại Điều 16 và Điều 17 Luật Giá 2012.

- Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phân công của Chính phủ hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ; trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.

- Cơ quan ban hành quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá chịu trách nhiệm quyết định thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá.

- Cơ quan, cá nhân quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,004

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn