Điều kiện về an ninh trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/11/2023 18:15 PM

Xin hỏi điều kiện về an ninh trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm những gì? - Thảo Hoàng (Bình Dương)

Điều kiện về an ninh trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện về an ninh trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện 

Theo Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề như sau:

- Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

+ Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

- Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2. Ngành, nghề phải có điều kiện về phương án bảo đảm an ninh trật tự

- Cơ sở kinh doanh các ngành, nghề sau đây phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự gồm:

+ Kinh doanh công cụ hỗ trợ;

+ Kinh doanh các loại pháo;

+ Kinh doanh súng bắn sơn;

+ Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;

+ Kinh doanh casino;

+ Kinh doanh dịch vụ đặt cược;

+ Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

+ Kinh doanh tiền chất thuốc nổ;

+ Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ;

+ Kinh doanh dịch vụ nổ mìn;

+ Kinh doanh dịch vụ vũ trường;

+ Kinh doanh dịch vụ lưu trú (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp);

+ Kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ.

- Phương án bảo đảm an ninh trật tự gồm các nội dung cơ bản sau đây:

+ Xác định khu vực, địa bàn, mục tiêu cụ thể cần phải tăng cường để bảo đảm an ninh, trật tự;

+ Biện pháp thực hiện;

+ Lực lượng phục vụ thường xuyên;

+ Phương tiện phục vụ;

+ Biện pháp tổ chức, chỉ đạo;

+ Biện pháp phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương mà cơ sở kinh doanh hoạt động;

+ Tình huống giả định khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra; công tác huy động lực lượng, phương tiện; biện pháp xử lý.

(Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

3. Điều kiện hoạt động kinh doanh áp dụng đối với một số ngành, nghề

Ngoài các điều kiện quy định tại mục 1 và 2, cơ sở kinh doanh dưới đây phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an mới được sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình Công an hiệu; chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được sản xuất con dấu có hình Quân hiệu, trừ các cơ sở kinh doanh đã hoạt động trước ngày Nghị định 96/2016/NĐ-CP có hiệu lực.

- Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh: Súng bắn sơn (không bao gồm cơ sở kinh doanh cung ứng dịch vụ sử dụng súng bắn sơn); quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

- Chỉ cơ sở kinh doanh ngoài Quân đội, Công an được cơ quan có thẩm quyền của Quân đội hoặc Công an theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản chấp thuận hoặc có hợp đồng theo quy định của pháp luật mới được kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

- Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.

- Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh các loại pháo.

(Điều 13 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,435

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn