Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm những gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/09/2023 16:00 PM

Xin cho tôi hỏi hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được pháp luật quy định bao gồm những giấy tờ gì? - Hoàng Sơn (Nam Định)

Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm những gì?

Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm những gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm những gì?

Cụ thể tại Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP quy định hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:

- Mỗi hồ sơ vụ việc có một mã số riêng, được lập và phân loại theo từng hình thức trợ giúp pháp lý. Mã số hồ sơ vụ việc gồm tập hợp các ký hiệu bằng chữ và bằng số tương ứng với tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý, số thứ tự của vụ việc trong Sổ theo dõi, thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, năm tiếp nhận (Ví dụ TT.TV.01.2018).

Trường hợp vụ việc do Chi nhánh thực hiện thì tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là chữ viết tắt của tên Chi nhánh (ví dụ CN1.TGTT.01.2018). Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Chi nhánh có trách nhiệm tạo hồ sơ vụ việc và người thực hiện trợ giúp pháp lý cập nhật lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng bao gồm:

+ Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;

+ Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có);

+ Bản bào chữa hoặc bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Bản chính hoặc bản sao kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án, quyết định; văn bản tố tụng khác liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng cấp;

+ Văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);

+ Phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ.

- Hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật bao gồm:

+ Các giấy tờ quy định tại các điểm a, đ và e khoản 2 Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP;

+ Văn bản tư vấn pháp luật có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng bao gồm:

+ Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 2 Điều 11 Thông tư 12/2018/TT-BTP;

+ Văn bản giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thể hiện kết quả việc đại diện ngoài tố tụng;

+ Bản báo cáo về những công việc đã thực hiện và kết quả đạt được trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Quy định về lưu trữ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý

Căn cứ theo Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về lưu trữ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải bàn giao hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý phải được thống kê, đánh số thứ tự, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

- Hồ sơ điện tử của từng vụ việc trợ giúp pháp lý được số hóa, cập nhật vào hệ thống quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý.

3. Các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý

Theo Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp phải từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;

- Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;

- Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Trường hợp không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đang được thực hiện mà người được trợ giúp pháp lý không còn đáp ứng quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,874

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn