Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
18/08/2023 12:00 PM

Các trường hợp nào thì người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết? - Khánh Vân (TPHCM)

Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết

Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo Điều 19 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

- Người nộp thuế được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP trong trường hợp:

Chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Phụ lục I

- Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:

+ Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;

+ Người nộp thuế đã ký kết thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế. 

Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP;

+ Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực như sau:

++ Phân phối: Từ 5% trở lên;

++ Sản xuất: Từ 10% trở lên;

++ Gia công: Từ 15% trở lên.

Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí của từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.

Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng được doanh thu nhưng không theo dõi, hạch toán riêng được chi phí phát sinh của từng lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì thực hiện phân bổ chi phí theo tỷ lệ doanh thu của từng lĩnh vực để áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.

Trường hợp người nộp thuế không theo dõi, hạch toán riêng được doanh thu và chi phí của từng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh để xác định tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần của lĩnh vực có tỷ suất cao nhất.

Trường hợp người nộp thuế không áp dụng theo mức tỷ suất lợi nhuận thuần quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định.

- Người nộp thuế thuộc trường hợp được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, việc xác định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp có giao dịch liên kết được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

2. Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết

Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết theo Điều 17 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế, bao gồm:

+ Cơ sở dữ liệu thương mại là thông tin, số liệu tài chính, kinh tế được các tổ chức kinh doanh dữ liệu thu thập, tập hợp, chuẩn hóa, lưu trữ, cập nhật, cung cấp bằng các phần mềm hỗ trợ truy cập, quản lý với các công cụ, ứng dụng được lập trình sẵn, hỗ trợ tiện ích cho người sử dụng có thể tìm kiếm, truy cập và sử dụng dữ liệu tài chính, kinh tế của các doanh nghiệp trong và ngoài Việt Nam theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, theo khu vực địa lý hoặc các tiêu chí tìm kiếm theo yêu cầu khác phục vụ mục đích so sánh, xác định đối tượng tương đồng trong kê khai và quản lý giá giao dịch liên kết;

+ Thông tin dữ liệu của các doanh nghiệp được công bố công khai trên thị trường chứng khoán;

+ Thông tin, dữ liệu công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế;

+ Thông tin do các cơ quan bộ, ngành trong nước công bố công khai hoặc các nguồn chính thức khác.

- Cơ sở dữ liệu sử dụng trong quản lý giá giao dịch liên kết của Cơ quan thuế, bao gồm:

+ Cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 132/2020/NĐ-CP;

+ Thông tin, dữ liệu trao đổi với các Cơ quan thuế đối tác theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 132/2020/NĐ-CP;

+ Thông tin do các cơ quan bộ, ngành trong nước cung cấp cho Cơ quan thuế;

+ Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế trong quản lý rủi ro.

- Phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để phân tích, xác định khoảng giao dịch độc lập tuân thủ nguyên tắc phân tích, so sánh và các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, theo thứ tự ưu tiên lựa chọn dữ liệu so sánh như sau:

+ Đối tượng so sánh nội bộ của người nộp thuế;

+ Đối tượng so sánh cư trú cùng quốc gia, lãnh thổ với người nộp thuế;

+ Đối tượng ở các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.

Trường hợp lựa chọn đối tượng so sánh nước ngoài tại các thị trường địa lý khác, phải phân tích tính tương đồng và các khác biệt trọng yếu định tính và định lượng theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,621

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn