Quy định về tạm giữ giấy phép lái xe mới nhất 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
12/05/2023 15:30 PM

Xin hỏi pháp luật quy định CSGT được tạm giữ giấy phép lái xe trong trường hợp nào? Khi bị tạm giữ giấy phép lái xe có được lái xe không? - Hoàng Sơn (Sơn La)

CSGT được tạm giữ giấy phép lái xe trong trường hợp nào?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Và theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc tạm giữ giấy phép lái xe chỉ được áp dụng trong trường hợp để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.

Như vậy, trong trường hợp xử lý vi phạm giao thông, CSGT có quyền tạm giữ giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm giao thông để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông theo quy định của pháp luật.

Quy định về tạm giữ giấy phép lái xe mới nhất 2023

Quy định về tạm giữ giấy phép lái xe mới nhất 2023 (Hình từ internet)

Thời gian tạm giữ giấy phép lái xe tối đa là bao lâu?

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì thời hạn tạm giữ giấy phép phép lái xe không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm giấy phép lái xe bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Bị CSGT tạm giữ giấy phép lái xe có được lái xe không?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì khi bị tạm giữ giấy giấy phép lái xe, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Như vậy, trong khoảng thời gian bị tạm giữ giấy phép lái xe thì vẫn được phép lái xe. Chỉ trong trường hợp nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục lái xe thì mới bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Theo đó, mức phạt lỗi không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông được quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô.

- Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 81,415

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]