Không nhường đường cho xe cứu thương bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/04/2023 18:46 PM

Tôi muốn biết hành vi không nhường đường cho xe cứu thương bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? - Huy Hoàng (Ninh Bình)

Không nhường đường cho xe cứu thương bị xử lý thế nào?

Không nhường đường cho xe cứu thương bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Xe cứu thương được xếp thứ tự ưu tiên thứ mấy?

Luật giao thông đường bộ 2008 quy định những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự như sau:

(1) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

(2) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

(3) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

(4) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

(5) Đoàn xe tang.

(Khoản 1 Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008)

Như vậy, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được xếp thứ tự ưu tiên thứ 3 theo quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe như trên.

2. Không nhường đường cho xe cứu thương bị xử lý thế nào? 

* Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

Căn cứ tại điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, người điều khiển xe trong trường hợp này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. (Điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

* Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

Căn cứ tại điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, người điều khiển xe trong trường hợp này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.(Điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

3. Quy định về phát tín hiệu ưu tiên của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ 

Tại Điều 8 Nghị định 109/2009/NĐ-CP, tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quy định như sau: 

Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Theo đó, xe cứu thương được quyền ưu tiên chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ.

Đồng thời nghiêm cấm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe cứu thương được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên 

Hoặc xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định của Nghị định 109/2009/NĐ-CP.

(Điều 15 Nghị định 109/2009/NĐ-CP)

4. Người tham gia giao thông nhường đường cho xe cứu thương bằng cách nào?

Người tham gia giao thông nhường đường cho xe cứu thương bằng cách như sau: 

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. 

Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

(Khoản 3 Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008)

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,483

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn