Pháo nổ là gì? Điều kiện vận chuyển pháo hoa nổ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo nổ (pháo hoa nổ) là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ;
(Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP.
Điều 13 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp pháo hoa nổ thì được phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ.
Việc vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ thực hiện theo quy định sau đây:
- Phải có giấy phép vận chuyển hoặc mệnh lệnh vận chuyển của cơ quan có thẩm quyền;
- Người và phương tiện chuyên dùng vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ phải đáp ứng yêu cầu về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định;
- Sử dụng phương tiện chuyên dùng bảo đảm điều kiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ và bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường;
- Không được chở pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ, phụ kiện bắn pháo hoa nổ và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;
- Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.
Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết và có phương án bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, hư hỏng, mất.
Việc vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất, cung cấp phục vụ bắn pháo hoa nổ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP.
- Hồ sơ đề nghị, gồm:
+ Văn bản đề nghị nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ cần vận chuyển, nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển, họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện, biển kiểm soát của phương tiện;
+ Đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước hoặc giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Giấy giới thiệu kèm theo bản sao một trong các loại giấy tờ sau: Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh quân nhân của người đến liên hệ.
Trường hợp vận chuyển pháo hoa nổ quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì hồ sơ phải có thêm văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ;
- Hồ sơ quy định nêu trên này lập thành 01 bộ và nộp tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cấp giấy phép vận chuyển theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Giấy phép vận chuyển chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển; trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hoàn tất việc vận chuyển, phải nộp lại cho cơ quan đã cấp giấy phép.
>>> Xem thêm: Tàng trữ pháo trái phép dịp Tết Nguyên đán 2023 có thể bị phạt tù nặng? Hành vi này bị xử phạt hành chính như thế nào?