Thủ tục cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
13/12/2022 15:30 PM

Xin hỏi về thủ tục cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc được quy định như thế nào? - Kim Anh (Long An)

Thủ tục cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Thủ tục cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Văn bằng, chứng chỉ cấp bản sao gồm những gì?

Theo khoản 1 Điều 1 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì văn bằng, chứng chỉ được gọi tắt cho các loại giấy tờ như sau:

- Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở;

- Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm;

- Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

- Văn bằng giáo dục đại học;

- Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Người có quyền yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Người có quyền yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc theo Điều 30 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT bao gồm:

- Người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ.

- Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ.

- Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ trong trường hợp người đó đã chết.

3.  Hồ sơ đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Theo khoản 1 Điều 31 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì hồ sơ đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc như sau:

- Đơn đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ, trong đó cung cấp các thông tin về văn bằng, chứng chỉ đã được cấp;

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra;

- Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc là người quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 30 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT thì phải xuất trình giấy ủy quyền (đối với người được ủy quyền) hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ;

- Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc gửi yêu cầu qua bưu điện thì phải gửi bản sao có chứng thực giấy tờ quy định t kèm theo 01 (một) phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc.

4. Thủ tục cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Thủ tục cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc theo khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT như sau:

(1) Người đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại mục 2 cho cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc;

(2) Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 03 (ba) giờ chiều, cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng chứng chỉ từ sổ gốc phải cấp bản sao cho người có yêu cầu.

Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được xác định từ thời điểm cơ quan tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến;

(3) Đối với trường hợp cùng một lúc yêu cầu cấp bản sao từ nhiều sổ gốc, yêu cầu số lượng nhiều bản sao, nội dung văn bằng, chứng chỉ phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu mà cơ quan tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao không thể đáp ứng được thời hạn quy định tại (2) mục này thì:

Thời hạn cấp bản sao được kéo dài thêm không quá 02 (hai) ngày làm việc hoặc dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu cấp bản sao.

(4) Cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ căn cứ sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ để cấp bản sao cho người yêu cầu; nội dung bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc. 

Trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao hoặc không cấp bản sao cho người yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận yêu cầu cấp bản sao có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu và nêu rõ lý do theo thời hạn quy định tại (2) mục này.

5. Giá trị pháp lý của bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Giá trị pháp lý của bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc theo Điều 28 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT như sau:

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, không hợp pháp, cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao văn bằng, chứng chỉ yêu cầu người có bản sao văn bằng, chứng chỉ xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,897

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]