Quy định về chăm sóc sức khỏe với người khuyết tật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
12/12/2022 08:30 AM

Việc chăm sóc khỏe với người khuyết tật hiện nay được pháp luật quy định thế nào? - Hoài Lâm (Tiền Giang)

Quy định về chăm sóc sức khỏe với người khuyết tật

Quy định về chăm sóc sức khỏe với người khuyết tật (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người khuyết tật là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 thì người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

2. Quy định về chăm sóc sức khỏe với người khuyết tật

Việc chăm sóc sức khỏe với người khuyết tật theo Chương II Luật Người khuyết tật 2010 bao gồm các quy định như sau:

2.1. Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú với người khuyết tật

- Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:

+ Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;

+ Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;

+ Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.

- Kinh phí để thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 21 Luật Người khuyết tật 2010 do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2.2. Khám bệnh, chữa bệnh với người khuyết tật

- Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.

- Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

- Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh.

- Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật.

2.3. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với người khuyết tật

- Thực hiện biện pháp khám bệnh, chữa bệnh phù hợp cho người khuyết tật.

- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

- Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.

- Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

2.4. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng với người khuyết tật

- Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng là cơ sở cung cấp dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

- Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bao gồm:

+ Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng;

+ Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng;

+ Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng;

+ Khoa phục hồi chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Bộ phận phục hồi chức năng của cơ sở bảo trợ xã hội;

+ Cơ sở khác.

- Việc thành lập và hoạt động của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Nhà nước bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đối với cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng công lập.

2.5. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với người khuyết tật

- Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là biện pháp thực hiện tại cộng đồng nhằm chuyển giao kiến thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng phục hồi và thái độ tích cực đến người khuyết tật, gia đình của họ và cộng đồng nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật.

- Người khuyết tật được tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng có trách nhiệm tham gia hướng dẫn hoạt động chuyên môn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

2.6. Nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật

- Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo dự án cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học về người khuyết tật, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên về chỉnh hình, phục hồi chức năng.

- Cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

- Dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật từ chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng, hỗ trợ được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,238

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]