Tải app trên IOS

Đại sứ quán là gì? So sánh Đại sứ quán và Lãnh sự quán

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
10/11/2022 16:54 PM

Cho tôi hỏi Đại sứ quán là gì? Đại sứ quán và Lãnh sự quán có hoạt động, chức năng, nhiệm vụ khác nhau thế nào? - Quốc Việt (Gia Lai)

Đại sứ quán là gì? So sánh Đại sứ quán và Lãnh sự quán

Đại sứ quán là gì? So sánh Đại sứ quán và Lãnh sự quán (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đại sứ quán là gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 2, khoản 1 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017), cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm:

- Cơ quan đại diện ngoại giao;

- Cơ quan đại diện lãnh sự;

- Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế. 

Trong đó, Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao.

Điều 12 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017) quy định Đại sứ quán là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận.

2. So sánh Đại sự quán với Lãnh sự quán

Tiêu chí

Đại sứ quán

Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán

 

Đều là cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của một quốc gia trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại.

Khái niệm

Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao của một quốc gia tại một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, giữa những chủ thể này có quan hệ ngoại giao và đồng ý thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao.

Lãnh sự quán là cơ quan đại diện lãnh sự của một quốc gia để thực hiện chức năng lãnh sự tại một bộ phận lãnh thổ của một quốc gia khác.

Vị trí

Đặt tại thủ đô của quốc gia có Đại sứ quán.

Đặt tại các thành phố lớn của quốc gia có Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán.

Chức vụ trong cơ quan đại diện

Đứng đầu là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại biện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

Tiếp đó là Đại sứ, Công sứ, Tham tán công sứ, Tham tán, các Bí thư, Tùy viên.

Đứng đầu Tổng Lãnh sự quán là Tổng Lãnh sự.

Đứng đầu Lãnh sự quán là Lãnh sự.

Tiếp đó là Phó Tổng Lãnh sự, Lãnh Sự, Phó Lãnh Sự, Tùy viên lãnh sự.

Chức năng, nhiệm vụ

Thực hiện chức năng đại diện tại một hay nhiều quốc gia hoặc tổ chức quốc tế, và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngoại giao, lãnh sự do quốc gia khác ủy nhiệm.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh sự tại khu vực lãnh sự và có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ này ngoài khu vực lãnh sự nếu có thỏa thuận khác.

Lĩnh vực hoạt động

Hoạt động của Đại sứ quán rộng hơn, gồm nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, …

Hoạt động của Lãnh sự quán hẹp hơn, chủ yếu về kinh tế và visa.

* Lưu ý: Nội dung so sánh trên chỉ mang tính chất tham khảo.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại Chương II Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017). 

Cụ thể, một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như sau:

(1) Thúc đẩy quan hệ chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh 

- Tổng hợp, đánh giá và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về tình hình chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh của quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về biện pháp cần thiết để thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ giữa cơ quan đại diện với cơ quan, tổ chức và cá nhân tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách đối ngoại trong quan hệ với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

(2) Phục vụ phát triển kinh tế đất nước 

- Nghiên cứu chiến lược, chính sách, pháp luật, xu hướng phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác sử dụng nguồn nhân lực và các vấn đề liên quan khác của quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược của quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận có tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

- Cung cấp thông tin, giới thiệu tình hình, khả năng và nhu cầu hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của quốc gia tiếp nhận.

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chính sách, biện pháp thích hợp và tổ chức thực hiện nhằm phát triển quan hệ kinh tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Tham gia xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, …

(3) Thúc đẩy quan hệ văn hóa 

- Tổng hợp, đánh giá và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về kinh nghiệm xây dựng và phát triển văn hóa của quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Kiến nghị biện pháp thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Giới thiệu với cơ quan, tổ chức và nhân dân Việt Nam về lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người của quốc gia tiếp nhận và hoạt động liên quan đến văn hóa của tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi đoàn và hoạt động giao lưu văn hóa giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Tổ chức hoặc tham gia tổ chức hoạt động, sự kiện văn hóa Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

(4) Thực hiện nhiệm vụ lãnh sự 

- Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự được quy định tại Điều 8 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017) trên cơ sở:

+ Tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên;

+ Phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế;

- Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

- Cấp, bổ sung, hủy bỏ thị thực; cấp, thu hồi, hủy bỏ giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hộ tịch, con nuôi phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.

-  Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.

(5) Hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

- Tuyên truyền, giới thiệu chính sách và pháp luật Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về chính sách, biện pháp thích hợp nhằm duy trì sự gắn bó của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước.

Khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc dân tộc, tham gia hoạt động trên các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước.

- Tạo điều kiện và hỗ trợ cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hội nhập với xã hội tại quốc gia tiếp nhận.

Kiến nghị biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam, ngăn ngừa hành động phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 113,541

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]