Công tác cơ yếu là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác cơ yếu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/10/2022 15:02 PM

Tôi muốn biết công tác cơ yếu là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác cơ yếu được quy định thế nào? - Hoàng Nhật (Khánh Hòa)

Công tác cơ yếu là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác cơ yếu

Công tác cơ yếu là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác cơ yếu

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công tác cơ yếu là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Cơ yếu 2011, công tác cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, do lực lượng chuyên trách đảm nhiệm.

Trong đó:

- Nghiệp vụ mật mã là những biện pháp, quy định, giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ an toàn, bí mật và bảo đảm độ tin cậy của kỹ thuật mật mã.

- Kỹ thuật mật mã là phương pháp, phương tiện có ứng dụng mật mã để bảo vệ thông tin.

(Khoản 3, 4 Điều 3Luật Cơ yếu 2011)

2. Tiêu chuẩn người làm công tác cơ yếu

Người làm công tác cơ yếu phải có đủ các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Cơ yếu 2011, cụ thể như sau:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tự nguyện phục vụ lâu dài trong tổ chức cơ yếu; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, lịch sử chính trị gia đình và bản thân trong sạch, rõ ràng;

- Có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn và sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;

- Đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu.

Trong trường hợp người làm công tác cơ yếu khi không đáp ứng đủ tiêu chuẩn trên thì không được tiếp tục làm công tác cơ yếu. Căn cứ từng trường hợp cụ thể, người sử dụng cơ yếu có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu

Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu là quân nhân, Công an nhân dân thực hiện theo quy định Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân 1999 (sửa đổi 2008, 2014) và Luật Công an nhân dân 2018. Cụ thể hạn tuổi phục vụ như sau:

* Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu là Công an nhân dân

Theo Điều 30 Luật Công an nhân dân 2018, hạn tuổi phục vụ của Công an nhân dân được quy định như sau:

- Hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân quy định như sau:

(i) Hạ sĩ quan: 45 tuổi;

(ii) Cấp úy: 53 tuổi;

(iii) Thiếu tá, Trung tá: nam 55 tuổi, nữ 53 tuổi;

(iv) Thượng tá: nam 58 tuổi, nữ 55 tuổi;

(v) Đại tá: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi;

(vi) Cấp tướng: 60 tuổi.

Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan quy định tại mục (ii), (iii) và nam sĩ quan quy định tại mục (iv) nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 60 đối với nam và 55 đối với nữ.

Sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 60 đối với nam và hơn 55 đối với nữ theo quy định của Chính phủ.

* Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu là quân nhân

Cụ thể tại Điều 13 Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân 1999 (sửa đổi 2008, 2014), hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm:

- Cấp Úy: nam 46 tuổi, nữ 46 tuổi;

- Thiếu tá :nam 48 tuổi, nữ 48 tuổi;

- Trung tá: nam 51 tuổi, nữ 51 tuổi;

- Thượng tá: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;

- Đại tá: nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi;

- Cấp Tướng: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

Trong trường hợp quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.

* Đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động 2019.

4. Nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm việc công tác cơ yếu

Nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm việc trong tổ chức cơ yếu được quy định như sau:

- Giữ bí mật thông tin bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu, kể cả khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Phục tùng sự phân công, điều động của cơ quan, tổ chức và thực hiện đúng, đầy đủ chức trách được giao; tận tụy trong công tác, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống;....

- Thường xuyên giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quân sự, văn hoá và thể lực để hoàn thành nhiệm vụ.

- Khi nhận mệnh lệnh của người có thẩm quyền, nếu có căn cứ cho rằng mệnh lệnh đó là trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trường hợp vẫn phải chấp hành mệnh lệnh thì báo cáo kịp thời với cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó.

- Thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

(Điều 24 Luật Cơ yếu 2011)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 36,604

Bài viết về

lĩnh vực khác

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn