Lâm sản là gì? Quy định về việc khai thác lâm sản theo Luật Lâm nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
30/09/2022 08:38 AM

Tôi muốn biết các sản phẩm từ lâm sản bao gồm những loại gì? Việc khai thác lâm sản trong từng loại rừng được quy định thế nào? - Thanh Long (Gia Lai)

Lâm sản là gì? Quy định về việc khai thác lâm sản theo Luật Lâm nghiệp

Lâm sản là gì? Quy định về việc khai thác lâm sản theo Luật Lâm nghiệp

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lâm sản là gì?

Theo khoản 16 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017, lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến.

Cụ thể, khai thác lâm sản được thực hiện trong các loại rừng sau đây:

- Rừng đặc dụng

- Rừng phòng hộ

- Rừng sản xuất là rừng tự nhiên

- Rừng sản xuất là rừng trồng

2. Khai thác lâm sản trong từng loại rừng

2.1. Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng

Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Lâm nghiệp 2017, cụ thể như sau:

* Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh

- Không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng;

- Được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, nấm trong phân khu dịch vụ; hành chính của rừng đặc dụng;

- Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với khu rừng bảo vệ cảnh quan

- Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện biện pháp lâm sinh để bảo tồn, tôn tạo, khôi phục hệ sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử và trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Đối với rừng tín ngưỡng, được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, thực vật rừng, nấm, lâm sản ngoài gỗ; khai thác gỗ phục vụ mục đích chung của cộng đồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học

- Được khai thác lâm sản theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác; khai thác tận thu gỗ, củi, thực vật rừng trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Được khai thác, thu thập các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nguồn gen phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

* Đối với vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia

- Được khai thác vật liệu giống;

- Được khai thác tận dụng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong quá trình thực hiện điều chỉnh tổ thành rừng, nuôi dưỡng rừng và áp dụng biện pháp lâm sinh khác;

- Được khai thác tận thu gỗ, củi, thực vật rừng, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ.

2.2. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

Cụ thể tại Điều 55 Luật Lâm nghiệp 2017, khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ thực hiện như sau:

- Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.

- Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, việc khai thác lâm sản ngoài gỗ được quy định như sau:

+  Được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong rừng phòng hộ khi đã đạt yêu cầu phòng hộ;

+ Được khai thác lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

- Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng, được quy định như sau:

+ Được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định;

+ Được khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng;

+ Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

2.3. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất

* Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên

Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:

- Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.

(Điều 58 Luật Lâm nghiệp 2017)

* Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng

Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng được quy định tại Điều 59 Luật Lâm nghiệp 2017, cụ thể như sau:

- Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.

-Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.

- Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017 và Quy chế quản lý rừng.

>>> Xem thêm: Hồ sơ lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên và rừng trồng trong nước năm 2022? Kiểm tra đột xuất nguồn gốc lâm sản dựa trên căn cứ nào?

Sau khi khai thác lâm sản thì ai có trách nhiệm lập bảng kê lâm sản? Thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản thuộc về cơ quan nào?

Hành vi vận chuyển lâm sản thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,183

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]