Thủ tục thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
07/09/2022 14:31 PM

Tôi đang hoạt động kinh doanh mua bán gỗ để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nội thất như tủ, ghế,..Vậy cho tôi hỏi về thủ tục thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản được quy định thế nào? - Trung Kiên (Tây Ninh)

Thủ tục thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Thủ tục thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bảng kê lâm sản là gì?

Theo điểm a và b khoản 1 Điều 5 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT thì bảng kê lâm sản là loại giấy tờ được chủ lâm sản lập sau khai thác; khi mua bán, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; 

Khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản theo quy định hoặc do người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Đồng thời, chủ lâm sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai và nguồn gốc lâm sản hợp pháp tại bảng kê lâm sản.

Theo đó, lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến theo khoản 16 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017.

2. Mẫu bảng kê lâm sản 

Mẫu bảng kê lâm sản được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT như sau:

- Mẫu bảng kê lâm sản đối với gỗ tròn, gỗ xẻ:

Mẫu số 01

- Mẫu bảng kê lâm sản đối với sản phẩm gỗ:

Mẫu số 02

- Mẫu bảng kê lâm sản đối với thực vật rừng ngoài gỗ, dẫn xuất của chúng:

Mẫu số 03

- Mẫu bảng kê lâm sản đối với động vật rừng; bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng:

Mẫu số 04

3. Quy định về lập bảng kê lâm sản

Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về lập bảng kê lâm sản như sau:

- Chủ lâm sản ghi đầy đủ các nội dung về lâm sản tại bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 hoặc Mẫu số 04 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT;

- Ghi tổng chung số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng của lâm sản đó vào bảng kê lâm sản đối với gỗ không đủ kích thước như sau:

+ Gỗ tròn có kích thước còn nguyên hình dạng sau khai thác, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên.

+ Gỗ xẻ có chiều dài 01 mét trở lên, chiều rộng 20 cm trở lên, chiều dày 05 cm trở lên phải ghi số hiệu của từng lóng, thanh, tấm, hộp gỗ vào mặt cắt ngang của gỗ.

- Chủ lâm sản khi lập bảng kê lâm sản phải ghi số hiệu gỗ vào bảng kê lâm sản đối với gỗ tròn, gỗ xẻ có số hiệu gỗ như sau:

+ Gỗ tròn có kích thước còn nguyên hình dạng sau khai thác, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên.

+ Gỗ xẻ có chiều dài 01 mét trở lên, chiều rộng 20 cm trở lên, chiều dày 05 cm trở lên phải ghi số hiệu của từng lóng, thanh, tấm, hộp gỗ vào mặt cắt ngang của gỗ.

- Đối với thực vật rừng ngoài gỗ hoặc động vật rừng, chủ lâm sản phải ghi chi tiết hoặc ghi tổng hợp chung số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng đối với từng loại lâm sản trong bảng kê lâm sản;

- Cuối mỗi trang của bảng kê lâm sản ghi tổng số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng, dung tích từng loại lâm sản của trang đó và có chữ ký của chủ lâm sản. Trang cuối của bảng kê lâm sản ghi tổng số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng, dung tích của từng loại lâm sản trong cả bảng kê lâm sản.

4. Đối tượng phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

 Đối tượng phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo Điều 6 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT như sau:

(1) Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa chế biến.

(2) Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa chế biến.

(3) Động vật rừng và bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên hoặc gây nuôi trong nước; động vật rừng, sản phẩm của động vật rừng nhập khẩu thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

(4) Trường hợp lâm sản quy định tại (1), (2) và (3) của mục này khi vận chuyển nội bộ trong tỉnh, bảng kê lâm sản không cần xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại.

5. Hồ sơ và thủ tục thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

5.1. Thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản

Theo khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT thì cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản là cơ quan Kiểm lâm sở tại bao gồm: 

- Hạt Kiểm lâm cấp huyện;

- Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện.

5.2. Hồ sơ thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Hồ sơ xác nhận bảng kê lâm sản được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT bao gồm:

- Bản chính bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 hoặc Mẫu số 04 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT;

- Hồ sơ nguồn gốc lâm sản;

- Hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính (nếu có).

5.3. Thủ tục thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản

Thủ tục xác nhận bảng kê lâm sản theo khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 7 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT như sau:

- Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan Kiểm lâm sở tại. 

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận bảng kê lâm sản hoặc thông báo bằng văn bản đối với trường hợp không xác nhận và nêu rõ lý do;

- Trường hợp cần xác minh nguồn gốc lâm sản, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại thông báo cho chủ lâm sản.

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, cơ quan Kiểm lâm sở tại tiến hành xác minh, kiểm tra nguồn gốc lâm sản; trường hợp phức tạp, việc xác minh, kiểm tra nguồn gốc lâm sản được thực hiện không quá 05 ngày làm việc.

Kết thúc xác minh, kiểm tra nguồn gốc lâm sản, cơ quan Kiểm lâm sở tại lập biên bản kiểm tra lâm sản theo Mẫu số 05 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT.

Mẫu số 05

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc xác minh, cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận bảng kê lâm sản và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân hoặc thông báo bằng văn bản đối với trường hợp không xác nhận và nêu rõ lý do.

- Cơ quan Kiểm lâm sở tại chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xác nhận nguồn gốc lâm sản hợp pháp; lập sổ theo dõi xác nhận bảng kê lâm sản cho từng năm theo Mẫu số 06 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT;

Lưu giữ bản sao của bảng kê lâm sản đã xác nhận và bản sao các tài liệu về nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật.

Mẫu số 06

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,660

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]