Sử dụng cần sa có bị xử lý hình sự không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/08/2022 16:36 PM

Tôi thấy hiện nay có nhiều người trẻ sử dụng cần sa quá. Xin hỏi cần sa có bị cấm sử dụng như ma túy không? Sử dụng cần sa thì có bị phạt tiền hay đi tù không? - (Chị Hạ, Bình Thuận)

Sử dụng cần sa có bị xử lý hình sự không?

Sử dụng cần sa có bị xử lý hình sự không?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cần sa có bị cấm sử dụng không?

Cần sa và các chế phẩm từ cần sa đã được Chính phủ liệt kê tại Danh mục I, Nghị định 73/2018/NĐ-CP (cụ thể ở STT 45, Danh mục ID). Theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP thì Danh mục I là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, cần sa được xem là một loại ma túy bị cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, nên người sử dụng cần sa sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sử dụng cần sa bị xử phạt thế nào?

2.1. Sử dụng cần sa bị xử phạt vi phạm hành chính

Vì cần sa được liệt kê là một loại ma túy bị cấm sử dụng trong đời sống nên người có hành vi sử dụng cần sa thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Theo quy định này, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

2.2. Sử dụng cần sa bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Như đã phân tích thì cần sa là một loại ma túy bị cấm sử dụng. Bộ luật Hình sự 2015 không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, khi phát hiện có lưu trữ ma túy trái phép trong người thì tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một trong các tội sau:

- Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017): Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp tại điều luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017): Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy vào hành vi và mức độ vi phạm mà người sử dụng cần sa có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hạnh Nguyên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 47,616

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn