Di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đổ trái phép bị xử lý thế nào?
Căn cứ khoản 25 Điều 10 Hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn khai thác sân bay (Ban hành kèm theo Quyết định 336/QĐ-CHK năm 2021) quy định nghiêm cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ tiếp cận tàu bay, trang thiết bị, phương tiện mặt đất và di chuyển trên đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt quy định về đi lại, điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hoạt động trong cảng hàng không, sân bay như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đi lại trên sân đỗ tàu bay không đúng phần đường hoặc đi lại ở những nơi không được phép.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn khi không được phép.
Đối với hành vi này, nếu là nhân viên hàng không sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 05 tháng.
Như vậy, hành vi di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đổ sẽ bị xử phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng.
Căn cứ Điều 278 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội cản trở giao thông đường không như sau:
* Khung 1:
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi di chuyển trái phép thuộc một trong các trường hợp sau:
- Dẫn đến hậu quả:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự 2015;
- Đã bị kết án về tội cản trở giao thông đường không, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
* Khung 2:
Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người có hành vi di chuyển trái phép gây ra hậu quả:
- Làm chết 02 người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
- Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý thiết bị an toàn giao thông đường không.
* Khung 3:
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi di chuyển trái phép gây hậu quả:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
* Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
* Lưu ý: Cản trở giao thông đường không trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khung 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như quy định nêu trên, người có hành vi di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đổ trái phép nếu bị xem là cản trở giao thông đường không sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 15 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề lên đến 05 năm.
Ngọc Nhi