Trọng tài viên vi phạm thì bị xử phạt thế nào? (Nguồn Internet)
Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.
(Theo khoản 5 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Theo Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010, những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015;
- Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
- Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
Lưu ý: Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
- Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp.
- Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp.
- Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp.
- Được hưởng thù lao.
- Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời.
- Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
(Theo Điều 21 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Nếu có hành vi vi phạm quy định về hoạt động của Trọng tài viên thì có thể bị xử phạt hành chính ở các mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Giải quyết tranh chấp trong trường hợp Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên trong vụ tranh chấp;
+ Giải quyết tranh chấp trong trường hợp Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
+ Giải quyết tranh chấp trong trường hợp Trọng tài viên đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của một trong các bên trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản;
+ Giải quyết tranh chấp khi có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Tiết lộ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Hoạt động trọng tài thương mại mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm Trọng tài viên.
- Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.
(Theo khoản 4 Điều 4 và Điều 27 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)
Như vậy, nếu có hành vi vi phạm quy định về hoạt động của Trọng tài viên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 30.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.
Quốc Đạt