Tải app trên IOS

Chơi hụi là gì? 10 quy định cần lưu ý khi chơi hụi

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
17/09/2022 14:07 PM

Chơi hụi là như thế nào? Để đảm bảo an toàn thì cần lưu ý những quy định gì khi chơi hụi? – Gia Hân (Tiền Giang)

10 quy định cần lưu ý khi chơi hụi

10 quy định cần lưu ý khi chơi hụi (Ảnh minh họa)

1. Chơi hụi là gì?

Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, chơi hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. 10 quy định cần lưu ý khi chơi hụi

(1) Chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú.

(điểm b, khoản 1 Điều 16; khoản 1 Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(2) Khi có người muốn gia nhập dây hụi thì chủ hụi phải thông báo các nội dung sau:

- Số lượng dây hụi mà mình làm chủ hụi

- Số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi

- Phần hụi, kỳ mở hụi.

(Khoản 2 Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(3) Thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ các nội dung sau:

- Hụi, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ hụi thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống);

- Số lượng thành viên, hụi, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên;

- Phần hụi;

- Thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi;

- Thể thức góp hụi, lĩnh hụi.

Văn bản thoả thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.

(Điều 7, 8 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(4) Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.

- Sổ hụi có các nội dung sau đây:

+ Các nội dung của thỏa thuận về dây hụi như mục (3)

+ Ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên;

+ Ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi của thành viên lĩnh hụi;

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi;

+ Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây hụi.

(Điều 12 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(5) Chủ hụi phải giao hụi cho thành viên tại mỗi kỳ mở hụi

Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi thì chủ hụi có trách nhiệm đối với thành viên đó như sau:

- Thực hiện đúng nghĩa vụ giao hụi.

- Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi theo quy định của pháp luật.

- Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự 2015.

- Bồi thường thiệt hại (nếu có).

(Khoản 3 Điều 18, Điều 23 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(6) Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu.

(điểm d khoản 1 Điều 15, khoản 5 Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

 (7) Chủ hụi phải giao giấy biên nhận cho thành viên khi thực hiện các hoạt động sau:

- Góp hụi, lĩnh hụi;

- Nhận lãi, trả lãi;

- Thực hiện giao dịch khác có liên quan.

(Điều 13 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(8) Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên;

- Tổ chức từ hai dây hụi trở lên.

Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.

(khoản 1 Điều 14 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(9) Nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

(khoản 3 Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

(10) Nghiêm cấm tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật.

(khoản 3 Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP)

Nếu chủ hụi vi phạm 10 quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt được quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:

Hành vi

Mức phạt tiền

Biện pháp khắc phục hậu quả

(1) đến (7)

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

 

(8)

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

 

(9), (10)

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 199,856

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]