Cơ quan thuế giải đáp các quy định về chính sách thuế

28/06/2021 11:43 AM

Liên quan đến những câu hỏi của người nộp thuế về chi nhánh khác tỉnh, khai thuế và sử dụng hóa đơn thế nào được quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; và chi nhánh tại tỉnh khác có được gia hạn nộp thuế được quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021, cơ quan thuế đã có phản hồi về những nội dung người nộp thuế quan tâm.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Có chi nhánh khác tỉnh, khai thuế và sử dụng hóa đơn thế nào?

Trường hợp công ty thành lập chi nhánh khác tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính thì công ty nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính; đồng thời nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp vấn đề sau:

Công ty A là đối tượng thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng, cơ quan thuế quản lý là Cục Thuế tỉnh Y.

Chi nhánh công ty A - cửa hàng xăng dầu CP là đơn vị phụ thuộc, có mã số thuế riêng; được phân quyền hạch toán đến doanh thu, chi phí theo quy định của pháp luật về kế toán. Hiện tại chi nhánh đang thuộc diện khai thuế GTGT theo quý, có sử dụng hóa đơn GTGT riêng do chi nhánh khởi tạo, đăng ký và kê khai với Cục Thuế tỉnh X.

Vừa qua, chi nhánh công ty A - cửa hàng xăng dầu CP đã thành lập 2 địa điểm kinh doanh cùng nằm trên địa bàn thuộc cùng địa bàn huyện X’, tỉnh X.

Ông Nghĩa hỏi, thông báo phát hành hóa đơn, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và mẫu hóa đơn sử dụng đối với địa điểm kinh doanh trên được quy định ra sao? Việc thực hiện nghĩa vụ kê khai, tính nộp lệ phí môn bài; thuế TNCN; thuế TNDN liên quan đến địa điểm kinh doanh trên như thế nào?

Cục Thuế TP. Cần Thơ trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế:

Tại Điều 1 quy định:

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết, áp dụng hoá đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hoá đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan".

Tại Điểm k Khoản 1 Điều 11 quy định:

“Người nộp thuế thực hiện các quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý thuế và các quy định sau đây:

1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:

… k) Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh”.

Tại Khoản 2, Điều 11 quy định:

“2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính. Đồng thời, người nộp thuế phải nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp:

a) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh vận tải của người nộp thuế mà các tuyến đường vận tải đi qua địa bàn các tỉnh khác nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính.

b) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm.

c) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế GTGT dưới 1 tỷ đồng.

d) Thuế TNDN của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Người nộp thuế phải xác định riêng số thuế TNDN phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.

đ) Thuế GTGT, thuế TNDN của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là DN siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

e) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (trừ lợi nhuận sau thuế của hoạt động xổ số điện toán)".

Tại Khoản 3 Điều 43 quy định:

"3. Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian nộp thuế thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các trường hợp thuộc diện kê khai thuế theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 11 Nghị định này bảo đảm thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành".

Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC: “Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng khai thuế GTGT riêng thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng tổ chức thực hiện khai thuế GTGT cho đơn vị trực thuộc, chi nhánh thì đơn vị trực thuộc, chi nhánh không phải Thông báo phát hành hóa đơn”.

Căn cứ các quy định nêu trên:

Về kê khai, tính nộp lệ phí môn bài, thuế TNCN, thuế TNDN của địa điểm kinh doanh:

Trường hợp công ty A có thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này) thì công ty A nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính; đồng thời công ty A phải nộp bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên). Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

Về tính thuế, phân bổ số thuế GTGT, TNDN, TNCN,... phải nộp cho chi nhánh, địa điểm kinh doanh: Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Khi Thông tư của Bộ Tài chính ban hành, đề nghị công ty nghiên cứu để thực hiện, trong quá trình nghiên cứu nếu có vướng mắc xin liên hệ cơ quan thuế để được hỗ trợ.

- Về thông báo phát hành hóa đơn, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và mẫu hóa đơn sử dụng đối với địa điểm kinh doanh: Trường hợp công ty A có các chi nhánh, địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của công ty nhưng công ty thực hiện khai thuế GTGT cho chi nhánh, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, địa điểm kinh doanh không phải thông báo phát hành hóa đơn, không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Chi nhánh tại tỉnh khác có được gia hạn nộp thuế?

Công ty bà Phan Hải Yến hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy; có trụ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc và một chi nhánh tại tỉnh Hà Nam. Công ty thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.
Chi nhánh công ty tại tỉnh Hà Nam là chi nhánh hạch toán phụ thuộc của trụ sở chính, có chức năng sản xuất xe máy và phụ tùng xe máy, không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu.

Hàng tháng, công ty thực hiện khai thuế GTGT (GTGT) tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số thuế phải nộp cho chi nhánh tại Hà Nam như sau:

Đối với thuế GTGT: Phân bổ theo tỷ lệ 2% doanh thu của các mặt hàng sản xuất tại Hà Nam (thuế GTGT vãng lai).

Đối với thuế TNDN (TNDN): Phân bổ số nộp trên cơ sở xác định riêng thu nhập chịu thuế và số thuế phải nộp cho Chi nhánh Hà Nam.

Bà Yến hỏi, theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP chi nhánh của công ty bà tại Hà Nam có được gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế GTGT và thuế TNDN nêu trên hay không?

Cục Thuế Vĩnh Phúc trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 quy định:

“... b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;

… e) Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị”.

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định:

“Điều 3. Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất

1. Đối với thuế GTGT (trừ thuế GTGT khâu nhập khẩu)

a) Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý) của các DN, tổ chức nêu tại Điều 2 Nghị định này. Thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2021; thời gian gia hạn là 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7 năm 2021; thời gian gia hạn là 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8 năm 2021. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế…

b) Trường hợp DN, tổ chức nêu tại Điều 2 Nghị định này có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế GTGT riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của DN, tổ chức nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định này không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.

2. Đối với thuế TNDN

a) Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế TNDN năm 2021 của DN, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định này. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

b) Trường hợp DN, tổ chức nêu tại Điều 2 Nghị định này có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế TNDN riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TNDN. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của DN, tổ chức nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định này không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TNDN”.

Căn cứ vào các quy định trên, công ty của bà Yến có hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe có động cơ khác, sản xuất mô tô, xe máy thì thuộc đối tượng gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP.

Để được gia hạn thời hạn nộp thuế công ty của bà Yến thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP.

Trường hợp chi nhánh của công ty bà tại tỉnh Hà Nam nếu thực hiện khai thuế GTGT riêng, thực hiện khai thuế TNDN riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh thì chi nhánh của công ty bà tại tỉnh Hà Nam thuộc đối tượng được gia hạn theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP.

Thanh Thanh

Theo Tổng cục Thuế

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,863

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn