Hướng dẫn phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc cho người lao động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
03/08/2020 15:56 PM

Theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020, trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc được quy định như sau:

phòng covid-19 tại nơi làm việc

ng dn phòng, chng COVID-19 ti nơi làm vic cho ngưi lao đng

Các hướng dẫn chung cho người lao động

- Việc đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca, các khu vực công cộng tại cơ sở lao động thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Lắp vách ngăn giữa các vị trí làm việc (nếu có thể).

- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

- Rửa tay thường xuyên. Rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với các bề mặt tay nắm cửa, nút bấm thang máy,...

- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

- Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

- Chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Hạn chế dùng chung các dụng cụ, phương tiện lao động,... nếu có phải vệ sinh các vị trí tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng (Tham khảo thêm mục V về khử khuẩn nơi làm việc).

- Không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa,… theo quy định tại nơi làm việc.

- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc là ca bệnh, hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc và cán bộ y tế tại nơi làm việc để thực hiện theo hướng dẫn tại Mục VI và VII, Phần I của Hướng dẫn này.

- Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19.

Đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao

Ngoài các hướng dẫn chung ở trên (Mục 2.1 của Hướng dẫn), người lao động cần lưu ý:

- Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Tuy nhiên cần lưu ý rửa tay ngay sau khi cởi bỏ găng tay và thay găng tay khi phải tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên và dùng giấy lau tay sử dụng một lần hoặc khăn lau tay để làm khô tay.

- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông sử dụng ứng dụng kết nối: Chủ động thực hiện đóng mở cửa xe cho khách (nếu có thể).

- Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.

Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Ngoài các hướng dẫn ở trên (Mục 2.1 và 2.2 của Hướng dẫn), người lao động cần lưu ý:

- Tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác.

- Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang có biểu hiện ho hoặc hắt hơi.

- Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và nếu cần thiết thì đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Xem chi tiết tại Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,807

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn