Nhiều điểm bất cập tại Bộ luật Dân sự 2015

10/06/2017 16:19 PM

Bộ luật Dân sự 2015 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 (thay thế Bộ luật Dân sự 2005), song thực tiễn áp dụng lại không nhiều vì đây là bộ luật nguyên tắc chung của hầu hết các luật chuyên ngành, tuy vậy không phải là không có những bất cập trong quy định mới.

Xin tổng hợp vài bất cập để mọi người có thể xem qua và góp ý cho các văn bản hướng dẫn Bộ luật trong thời gian tới.

1. Mập mờ về xác định lãi suất cho vay

Điều 468 Bộ luật Dân sư 2015 quy định:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất…

Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định:

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật…

Việc ghi thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” sẽ càng làm cho các tổ chức tín dụng, khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật khó áp dụng quy định này trên thực tế, khiến cho họ rơi vào thế lúng túng không biết theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay).

2. Xác định hợp đồng vô hiệu vẫn còn bất cập

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 129 Bộ luật Dân sư 2015.

…Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1.Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó…

Tuy nhiên một số pháp luật chuyên ngành đặt ra yêu cầu hợp đồng phải có một số nội dung bắt buộc. Ví dụ như, Điều 141 của Luật Xây dựng 2014 quy định hợp đồng xây dựng phải có các  nội dung như: Nội dung và khối lượng công việc; chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao; thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng; giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng.

Tương tự, Luật Kinh doanh bất động sản tại Điều 18 quy định hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hay công trình xây dựng phải có những nội dung bắt buộc theo quy định.

Như vậy Bộ luật Dân sự mới đã đưa quy định bắt buộc phải lập thành văn bản vào làm điều kiện có hiệu lực, tuy nhiên với trường hợp không lập văn bản đúng quy định thì việc xác định hai phần ba nghĩa vụ cũng là rất khó với hợp đồng có những nghĩa vụ không phân chia được theo phần hoặc danh sách các nghĩa vụ mà hợp đồng nêu chỉ mang tính chất liệt kê và là danh sách mở.

3. Lấn cấn trong quy định về pháp nhân và không pháp nhân

Theo Bộ luật Dân sự 2015, việc quy định lại định nghĩa về pháp nhân thành 2 loại cũng như quy định đối tượng giao dịch dân sự chỉ là cá nhân và pháp nhân cũng đang gây khó khăn cho nhiều tổ chức.

Cụ thể là việc Ngân hàng Nhà nước buộc các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư ... phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân, nếu không sẽ bị đóng tài khoản tại ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng việc yêu cầu các chủ thể trên phải thay đổi tên tài khoản là để phù hợp với Thông tư 32/2016/TT-NHNN.

tài khoản ngân hàng

Theo quy định thì pháp nhân chỉ có 2 loại là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, còn hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, Văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.

Về vấn đề này Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng không chỉ có Bộ luật Dân sự quy định về chủ thể và giao dịch dân sự. Có nhiều chủ thể (thực thể pháp lý) không phải là pháp nhân nhưng cũng không đơn thuần là một cá nhân mà là một tổ chức, gồm tập hợp một hoặc một số cá nhân. Chẳng hạn Văn phòng luật sư  theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); hộ gia đình theo Luật Đất đai năm 2013; Doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp năm 2014; hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.  Nếu ngân hàng không cho doanh nghiệp tư nhân giao dịch tài khoản thì gần như đồng nghĩa với việc phải xóa bỏ các doanh nghiệp tư nhân và nhiều thực thể pháp lý khác.

Hân Nguyễn (tổng hợp)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 54,996

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]