Cần sửa luật để thu hồi bằng được tài sản tham nhũng

31/07/2015 09:51 AM

“Đó là tài sản nhà nước, các đơn vị kia chỉ là đại diện, được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản, chính vì vậy, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm phối hợp cùng pháp nhân trong quá trình thu hồi tài sản”. Đó là khẳng định của thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội khi trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.

Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) cùng vợ trong phiên xử hồi tháng 5/2014. Ảnh: Bảo Thắng

Theo ông Chính, nếu là tài sản cá nhân, đó là câu chuyện khác, nhưng khi các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, họ phải có trách nhiệm với khối tài sản này. Cơ quan thi hành án cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Thưa ông, nên hiểu thế nào về một bản án đã có hiệu lực pháp luật?

Đó là những bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, tức là thời hiệu kháng án, kháng nghị đã kết thúc; những bản án phúc thẩm, hoặc không có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái phẩm. Khi đó, tất cả các bên liên quan được thể hiện trong nội dung bản án phải có nghĩa vụ tuân thủ, có trách nhiệm thực thi các quy định trong bản án, hoặc quyết định của cơ quan xét xử.

Quay lại 2 vụ “đại án” ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Cty hàng hải Việt Nam (Vinalines) được TAND Tối cao xét xử phúc thẩm giữa năm 2012 (Vinashin) và giữa năm 2014 (Vinalines), theo ông, đây là những vụ án đã có hiệu lực pháp luật chưa?

Chắc chắn là đã có hiệu lực.

Ở vụ án Vinashin, tổng số tiền phải thu hồi trên 1.144 tỷ 105 triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã chính thức trả lại đơn yêu cầu thi hành án của 6 Cty được xác định là nguyên đơn dân sự, với thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, vì thiếu cơ sở. Còn ở vụ Vinalines, đến nay Vinalines chưa hề có đơn yêu cầu thi hành án, do vậy cơ quan thi hành án chưa có cơ sở xử lý số tiền đã thu và tài sản kê biên.

Vậy, nếu các nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước sẽ đi về đâu, công điều tra, xét xử sẽ đổ xuống sông, xuống biển, thưa ông?

Câu chuyện này có 2 vấn đề. Trước tiên, theo Luật Thi hành án dân sự, nghĩa vụ của bị cáo phải thi hành các quy định tại bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tiếp nữa, đối với pháp nhân (nguyên đơn dân sự trong vụ án), cơ quan nhà nước phải ra quyết định thi hành án.

Nhưng những nguyên đơn dân sự này không có đơn yêu cầu thi hành án, do đó, cơ quan thi hành án nói rằng, họ không có cơ sở để thực thi?

Đây là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước. Cơ quan thi hành án buộc phải ra quyết định thi hành. Có phải cá nhân đâu mà đơn. Không nhất thiết bị hại có đơn mới làm. Lúc này, cơ quan thi hành án phải phối kết hợp với nguyên đơn dân sự để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Cảm ơn ông.

Cần sửa luật thi hành án

"Phía cơ quan thi hành án cho rằng, nếu căn cứ vào luật, họ chỉ thi hành khi có đơn yêu cầu. Và thực tế, Vinalines chưa có đơn, cho dù, bản án có hiệu lực pháp luật án tuyên họ bị thiệt hại lớn. Tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét đến việc sửa Luật Thi hành án. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng khối tài sản của Nhà nước, cũng như tăng trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi tài sản công”.

(Thẩm phán Trương Việt Toàn,

Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội)

Bảo Thắng

Theo Tiền Phong

Luật Phòng, chống tham nhũng

Điều 3. Các hành vi tham nhũng

1. Tham ô tài sản.

2. Nhận hối lộ.

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý tham nhũng

1. Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

2. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

4. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

6. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

b) Tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng;

c) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng;

d) Chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Gương mẫu, liêm khiết; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng;

c) Chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

3. Người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ, công vụ đúng quy định của pháp luật;

b) Gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp;

c) Kê khai tài sản theo quy định của Luật này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của việc kê khai đó.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,418

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]