“Cởi trói” khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại?

22/05/2013 08:43 AM

Tham gia đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị với doanh nghiệp, thay vì nâng lên mức 15%.

Nên bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại? (Ảnh minh họa).

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay là dự thảo Luật nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%, đồng thời loại bỏ một số khoản chi không mang tính chất quảng cáo, khuyến mại như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí ra khỏi diện chi phí khống chế…

Theo đóng góp ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), cơ quan làm luật nên mạnh dạn bỏ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị với doanh nghiệp. Bởi việc khống chế chi phí này ở mức 10 - 15% với những doanh nghiệp lớn là đáng kể nhưng với đại đa số doanh nghiệp nhỏ thì mức này phải lên tới 20 - 40% mới đạt tác dụng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TPHCM) cũng bày tỏ nhất trí với việc không khống chế chi phí quảng cáo. Theo lý giải của đại biểu này, không doanh nghiệp nào chi tiền mà không tính toán, cân nhắc, nhất là trước áp lực cạnh tranh gay gắt quyết liệt thị phần với nhau, doanh nghiệp mới chi cho các chi phí quảng cáo, khuyến mại. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải cân đối chi như thế nào để còn lại lợi nhuận sau cùng chia cho cổ đông, cũng như tích lũy nguồn vốn tái sản xuất.

“Nếu nhìn kỹ hơn, chi phí quảng cáo, khuyến mại là chi phí của doanh nghiệp và cũng là tác nhân đầu vào của ngành công nghiệp quảng cáo. Ngành nay cũng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng đóng thuế VAT”, đại biểu Hòa cho hay.

Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Việc nâng mức tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo từ 10% lên 15% như trong dự thảo Luật là hướng sửa đổi tích cực, song với doanh nghiệp sản xuất hàng đặc thù như hóa mỹ phẩm, nếu không quảng cáo, tiếp thị nhiều thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn.

“Nên chăng quy định theo tỷ lệ trên doanh thu để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, bởi hạn chế quảng cáo tiếp thị vô tình hạn chế bán hàng của doanh nghiệp”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) đề nghị cơ quan làm luật nên cân nhắc lại mức khống chế 15% trên tổng chi phí được trừ. "Chúng tôi đề nghị nên bỏ quy định này, nếu vẫn quy định thì nên căn cứ vào tổng doanh thu để phù hợp với thông lệ quốc tế", đại biểu nêu ý kiến.

Cùng luồng ý kiến này, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng, việc khống chế chi phí tối đa dành cho quảng cáo 15% là chưa thực sự phù hợp. Với mức khống chế này, doanh nghiệp nước ngoài cho rằng thấp, trong khi đó doanh nghiệp trong nước lại cho là cao. Do đó, đại biểu đề nghị Luật chỉ nên định nghĩa những khoản nào gọi là chi phí quảng cáo.

Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (đoàn Nam Định), việc bỏ quy định trần chi phí cho quảng cáo sẽ là kẽ hở lớn để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thì đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với việc nâng mức khống chế được trừ (từ 10% lên 15%) đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế , tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị mức khống chế được trừ tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch, dễ hạch toán.

Có ý kiến đề nghị cùng với việc sửa đổi Luật lần này cần bỏ quy định về mức khống chế chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại... để giao quyền chủ động cho doanh nghiệp.

Nguyễn Hiền

Theo Dân Trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,464

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]