BLHS 2015 sai sót: Do thay đổi quan điểm lập pháp?

04/07/2016 10:09 AM

Quốc hội vừa lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015 vì phát hiện có hơn 90 sai sót, đồng thời lùi hiệu lực thi hành của BLTTHS 2015 , Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015 , Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 do có viện dẫn một số quy định của BLHS 2015.

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Tại sao như vậy? Quy trình lập pháp có vấn đề? Ai chịu trách nhiệm? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Hà Hùng Cường (Bộ trưởng Bộ Tư pháp vào thời điểm cơ quan này chủ trì soạn thảo BLHS 2015) để tìm lời giải đáp.

Theo ông Hà Hùng Cường, Bộ Tư pháp đã tổng kết việc thi hành BLHS 1999 rất bài bản để sửa đổi toàn diện. Trên cơ sở đó, Thường trực Chính phủ (CP), Ban Cán sự Đảng CP đã họp, thông qua đường lối, quan điểm về từng vấn đề rất cụ thể: Giảm án tử hình chỗ nào, trách nhiệm hình sự pháp nhân ra sao... Ban Cán sự Đảng CP đã báo cáo Bộ Chính trị về quan điểm định hướng lớn và được đồng ý. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì cùng TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và hầu hết các bộ ngành trung ương bắt tay soạn thảo BLHS 2015.

“Phải khẳng định BLHS 2015 dù có nhiều sai sót nhưng vẫn chứa đựng những chính sách hình sự mới, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới, vừa rất tiến bộ, nhân văn, đề cao quyền con người theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013” - ông Cường nói.

Phải chi tiết hóa hết mức

. Phóng viên: Chuẩn bị kỹ như vậy, tại sao BLHS 2015 vẫn có nhiều sai sót, thưa ông?

+ Ông Hà Hùng Cường: Theo tôi biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) đã chủ trì việc rà soát lại toàn bộ BLHS 2015. Về phía Bộ Tư pháp cũng đánh giá lại quá trình soạn thảo. Kết quả cho thấy những sai sót báo chí nêu là sai sót kỹ thuật. Còn quan điểm định hướng tiến bộ mà CP trình sang QH vẫn được giữ nguyên.

Rà lại dự thảo mà Bộ Tư pháp thay mặt CP trình QH thì thấy có ba nội dung sai sót, cũng là kỹ thuật. Kể cả dự thảo mà CP trình xin ý kiến nhân dân, sai sót cũng rất ít.

. Vậy sai sót xuất hiện như thế nào, thưa ông?

+ Chủ yếu là do quan điểm lập pháp và phương pháp làm việc. Quan điểm của CP là sửa đổi toàn diện BLHS nhưng không nhất thiết phải chi tiết hóa đến từng điều, khoản trong từng tội danh. Bởi thực tế áp dụng BLHS cho thấy không thể hướng dẫn chi tiết tất cả được. Tội phạm rất đa dạng, phức tạp mà nhiều khi chỉ HĐXX tại phiên tòa cụ thể mới kết luận, quyết định chính xác được.

Hơn nữa, một điểm rất mới, rất tiến bộ trong Hiến pháp 2013 là phân định rạch ròi hơn quyền lực tư pháp. Luật Tổ chức TAND đã trao cho TAND Tối cao trọng trách phát triển án lệ. Như thế, càng nên tạo một không gian cho hoạt động chuyên môn của giới thẩm phán. Chỉ bằng cách ấy, việc áp dụng pháp luật mới sát cuộc sống.

Tuy nhiên, trình sang QH thì lại có ý kiến khác là phải chi tiết hóa tới từng điều, khoản để áp dụng trực tiếp. Mà chi tiết đến mức định tính, định lượng nhỏ thì rất khó cho kỹ thuật lập pháp và rất dễ xảy ra sai sót.

. Tức là quan điểm khác ấy đã dẫn tới sai sót, thưa ông?

+ Tôi cho là quan điểm chi tiết hóa ấy là một thách thức cho kỹ thuật lập pháp.

Sòng phẳng mà nói khi đưa ra thảo luận tại QH cũng như khi lấy ý kiến nhân dân thì cũng thấy một nguyện vọng là BLHS càng cụ thể càng tốt. Tuy nhiên, quan điểm của ban soạn thảo, của CP khi trình là trên tinh thần cải cách, khi mà QH đã ban hành luật thừa nhận vai trò của án lệ thì BLHS càng khái quát, càng cô đọng lại càng tạo ra không gian để ứng phó tất cả vấn đề xảy ra trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây cũng là quan điểm của khá nhiều đại biểu (ĐB) QH cũng như các chuyên gia tư pháp; cũng là vấn đề cơ bản, nguyên tắc của pháp luật hình sự hiện đại.

Nhưng rồi, trình sang xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH, chúng tôi đã không bảo vệ được quan điểm ấy. Thường vụ QH đã chỉ đạo theo hướng chi tiết hóa, tinh thần luật ban hành là áp dụng trực tiếp luôn...

Dù lùi hiệu lực thi hành nhưng những quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 vẫn được áp dụng. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Quy trình làm luật đã thay đổi

. Thưa ông, tại sao Bộ Tư pháp không theo đuổi tới cùng quan điểm của mình?

+ Ở đây có vấn đề thuộc về quy trình làm luật.

Nước nào cũng vậy, CP là chủ thể chủ yếu trình dự án luật ra QH. Tất cả đều rất rạch ròi: Cơ quan trình theo đuổi đến cùng dự luật, chủ trì cả việc tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH. Các ủy ban của QH giúp QH thẩm tra, giám sát chặt chẽ quá trình giải trình, tiếp thu và thẩm tra đến cùng. ĐBQH lắng nghe ý kiến đôi bên, biểu quyết thông qua hoặc bác dự luật.

Quy trình ấy được áp dụng ở ta cho đến năm 2001 thì thay đổi thành quy trình hai bước như hiện nay. Tôi đã hai lần chủ trì sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008năm 2015. Cả hai lần CP đều đề nghị quay trở lại quy trình trước năm 2001. Nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình, nhưng cuối cùng QH vẫn thông qua luật theo quy trình hai bước.

. Phải chăng quay lại quy trình trước năm 2001 thì BLHS 2015 sẽ không còn sai sót, thưa ông?

+ Không thể nói vậy.

Nhưng tôi nghĩ nếu theo quy trình ấy, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ có trách nhiệm hơn khi trình dự luật - trách nhiệm đến cùng. Cơ quan thẩm tra cũng có trách nhiệm rõ ràng hơn. Người ta trình đến cùng, nhận trách nhiệm đến cùng việc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH. Bên thẩm tra cũng thẩm tra, phản biện đến cùng - không còn lẫn hai vai: Lúc đầu thẩm tra, sau thành cơ quan chủ trì. Như thế, ĐBQH cũng lắng nghe ý kiến nhiều chiều hơn, độc lập hơn khi bấm nút. Chứ như hiện nay, dự thảo cuối là do Ủy ban Thường vụ QH trình rồi thì ĐBQH có phần ỷ lại, cứ thế mà bấm nút thông qua.

Điều nữa, quan trọng như BLHS và BLDS, QH cần dành thời gian nghe toàn văn. 500 ĐBQH đương nhiên hơn hẳn cái đầu của một nhóm chuyên gia, của cơ quan chủ trì trình, cơ quan thẩm tra. Thứ nữa là đề cao trách nhiệm của người chấp bút cuối cùng. Mất thời gian đấy nhưng làm luật phải thế mới tốt được.

. Xin cám ơn ông.

Ai tiếp thu, chỉnh lý dự luật?

Theo ông Cường, đợt sửa đổi Hiến pháp đề cập một vấn đề rất cốt lõi là phân công, kiểm soát quyền lực, phân định rạch ròi hơn lập pháp, hành pháp, tư pháp. Lấy ý kiến nhân dân cũng đồng thuận ý đó, theo nghĩa nhà nước pháp quyền: Bỏ đi vế “chấp hành QH” để hành pháp thực sự là cơ quan đề xuất luật và tổ chức thi hành pháp luật, CP năng động hơn, thực hiện tốt hơn chức năng kiến tạo. CP và QH như thế thì đều là nhận quyền lực nhân dân giao cho, ngang nhau. Nhưng rồi ra QH quyết phải giữ nguyên vế “chấp hành” như Hiến pháp cũ 1992.

“Theo cách ấy, nhiều ĐBQH ngộ nhận mình cao hơn CP. Việc đó tác động tới tư duy lập pháp là QH phải quyết hết, chi phối hết, đến cùng. Vậy nên quy trình lập pháp phải phân kỳ: CP, TAND Tối cao, VKSND Tối cao... cứ trình dự luật sang, các ủy ban của QH sẽ thẩm tra. Khi lấy ý kiến ĐBQH rồi thì ban soạn thảo hết vai trò. Ủy ban của QH từ vai thẩm tra chuyển sang vai chủ trì tiếp thu, chỉnh lý. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ QH trình dự thảo đã chỉnh lý cho QH thông qua. Đây là cách mà chúng ta làm từ 2001 tới nay, chưa thay đổi được” - ông Cường nói.

“Gấp gáp quá”!

Về trách nhiệm cá nhân, ông Cường cho biết: “Tôi có trách nhiệm kép - trong tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo và trong tư cách là ĐBQH. Nhưng lúc này tôi chưa muốn trả lời về vấn đề này bởi nói ra thì thành đá bóng, đổ lỗi. Với lại vừa rồi Ủy ban Thường vụ QH đã tạm kết luận là trách nhiệm chung của cả gần 500 ĐBQH”.

Ông Cường cũng tâm sự thêm: “Lẽ ra những khó khăn ấy, sai sót ấy đã có thể tránh được. Sửa nhiều như vậy, lại đòi hỏi quy định chi tiết tới từng định tính, định lượng trong từng điều khoản, tội danh thì cần thêm thời gian làm cho kỹ. Thay mặt CP, tôi đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ QH lùi thêm một kỳ họp nữa, tức là làm BLHS trong ba kỳ họp để thảo luận, chỉnh sửa dự thảo cho kỹ. Một số ĐBQH cũng đề nghị như vậy nhưng rồi quan điểm chỉ đạo chung là giữ đúng tiến độ, chỉ làm trong hai kỳ họp để thông qua đồng bộ với BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Thành ra gấp gáp quá!”.

NGHĨA NHÂN

Theo Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,561

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]