Dự kiến tăng mạnh mức xử phạt quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn

09/07/2015 07:47 AM

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn để khắc phục một số bất cập phát sinh trong thực tế.

Tái phạm trong vi phạm niêm yết giá có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Ảnh: H.Vân.

Tăng phạt vi phạm niêm yết giá gấp 6 lần

Về việc xử phạt trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính cho hay, Nghị định số 109 chưa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm đã quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.

Do vậy, trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm các hành vi vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá bao gồm: Hành vi không thông báo bằng văn bản về mức giá đăng ký, kê khai cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp phải thực hiện thông báo theo quy định; Hành vi áp dụng mức giá đăng ký, kê khai không đúng thời hạn theo quy định kể từ ngày thực hiện đăng ký giá, kê khai giá với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Hành vi tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký, kê khai với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa giải trình xong về mức giá đăng ký, kê khai; Hành vi tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký, kê khai với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa giải trình xong về mức giá đăng ký, kê khai.

Về niêm yết giá, Bộ Tài chính nhận định, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá còn thấp. Mức phạt hiện hành chỉ là cảnh cáo đối với các vi phạm lần đầu; vi phạm lần thứ hai trở lên chỉ xử phạt ở mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Để tăng cường tính răn đe, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng ngay lần đầu tiên đối với các hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá và tăng mức xử phạt khi tái phạm từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ Tài chính có bổ sung thêm việc phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi chậm kết chuyển hoặc không kết chuyển tài khoản Quỹ bình ổn giá; buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá và phần lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh.

Phạt nếu trốn nộp phí đường bộ

Trong lĩnh vực phí, lệ phí, hiện nay, hành vi vi phạm quy định mức thu phí vẫn diễn ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm mức thu phí là mức xử phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm trong tương lai. Ví dụ: hành vi thu phí giữ xe cao hơn quy định phạt chỉ phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Để hạn chế các hành vi vi phạm, dự thảo Nghị định quy định: Trường hợp vi phạm từ lần thứ 2 trở đi, tái phạm thì xử phạt gấp 3 lần mức phạt tiền lần trước với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều lần, tái phạm có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 24 tháng.

Để góp phần ngăn chặn hành vi gian lận, trốn nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định phạt từ 1 đến 3 lần số tiền phí gian lận, trốn nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Mức phạt tối thiểu là 6 triệu đồng, mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.

Không phạt mất hóa đơn do bất khả kháng

Trong lĩnh vực hóa đơn, theo tổng kết của cơ quan Thuế, nhiều doanh nghiệp in vẫn thực hiện in hóa đơn đặt in cho cho tổ chức, doanh nghiệp mặc dù cơ quan Thuế đã có thông báo các tổ chức, doanh nghiệp này không đủ điều kiện đặt in hóa đơn.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với các tổ chức, doanh nghiệp vẫn đặt in hóa đơn sau 5 ngày nhận được thông báo không đủ điều kiện đặt in hóa đơn.

Cũng theo phản ánh của các cơ quan Thuế, có tổ chức kinh doanh không nộp hoặc nộp chậm thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn, không nộp hoặc nộp chậm bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Vì vậy, để góp phần hạn chế hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn, dự thảo Nghị định quy định phạt từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi không nộp hoặc nộp chậm thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và hành vi không nộp hoặc nộp chậm bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan Thuế nơi chuyển đến.

Một thực tế khác phát sinh trong thực tiễn là trường hợp người mua và người bán làm mất hóa đơn do sự kiện bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng (mất cắp, bị cướp, mất trộm đã được cơ quan công an lập biên bản xác nhận; hóa đơn khi in bị lỗi cắn giấy, máy in lệch dòng, mờ chữ, trùng chữ doanh nghiệp không giao cho khách hàng mà lập hóa đơn khác thay thế…).

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng. Hiện nay, Nghị định số 109 mới chỉ quy định miễn xử phạt cho các trường hợp  thiên tai, hỏa hoạn.

Vì vậy, dự thảo lần này bổ sung quy định người mua, người bán làm mất hoá đơn do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác cũng sẽ không bị phạt tiền.

Theo chương trình công tác của Bộ Tài chính, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 sẽ được hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 12-2015.

Hồng Vân

Theo Báo Hải Quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,222

Chính sách khác

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn