Tải App trên Android
Chính sách mới >> Tài chính 12/01/2024 11:10 AM

TAX là gì? Tất cả các loại thuế ở Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
12/01/2024 11:10 AM

Xin hỏi TAX là gì và ở Việt Nam có các loại thuế nào, được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nào? - Tuấn Anh (Tây Ninh)

TAX là gì?

Tax là tên tiếng anh của từ Thuế. Theo đó, thuế là một khoản phí bắt buộc hoặc một số loại phí khác nhau áp dụng cho một cá nhân hoặc pháp nhân (người nộp thuế) phải trả cho chính phủ nhằm tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau. Trong trường hợp không trả tiền, trốn tránh hoặc chống lại việc nộp thuế sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.

TAX là gì? Tất cả các loại thuế ở Việt Nam

TAX là gì? Tất cả các loại thuế ở Việt Nam (Hình từ internet)

Tất cả các loại thuế ở Việt Nam

Hiện hành, ở Việt Nam có các loại thuế cơ bản sau đây:

(1) Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012, 2014...).

Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu trên.

(2) Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi 2013, 2014...). Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

- Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

+ Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác xã;

+ Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

- Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;

+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;

+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

+ Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

- Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm:

+ Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;

+ Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;

+ Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác;

+ Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;

+ Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

(3) Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi 2014, 2016...). Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm:

- Hàng hóa: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại; Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã, hàng mã.

- Dịch vụ: Kinh doanh vũ trường; Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke); Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược; Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số.

(4) Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi 2013, 2014, 2016...).

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).

(5, 6) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016. Đối tượng chịu thuế khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm:

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

- Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:

+ Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;

+ Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;

+ Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;

+ Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.

(7) Thuế tài nguyên

Thuế tài nguyên được quy định tại Luật Thuế tài nguyên 2009 (sửa đổi 2014...). Đối tượng chịu thuế tài nguyên bao gồm:

- Khoáng sản kim loại.

- Khoáng sản không kim loại.

- Dầu thô.

- Khí thiên nhiên, khí than.

- Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật.

- Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.

- Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

- Yến sào thiên nhiên.

- Tài nguyên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

(8) Thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010. Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường bao gồm:

- Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm: Xăng, trừ etanol; Nhiên liệu bay; Dầu diezel; Dầu hỏa; Dầu mazut; Dầu nhờn; Mỡ nhờn.

- Than đá, bao gồm: Than nâu; Than an-tra-xít (antraxit); Than mỡ; Than đá khác.

- Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

- Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

- Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định.

(9) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010. Đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm:

- Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

- Đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Theo đó, Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định đất phi nông nghiệp sử dụng không vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bao gồm:

+ Đất sử dụng vào mục đích công cộng bao gồm: đất giao thông, thủy lợi; đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ;

+ Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;

+ Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;

+ Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

+ Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ;

+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

+ Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 47,045

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]