Chính sách mới >> Tài chính 17/02/2012 08:12 AM

17/02/2012 08:12 AM

Để tạo sự đồng thuận của xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước công khai một số thông tin nhạy cảm mà trước đây nhà điều hành vẫn có thói quen… “đậy” lại.

Điểm lại những động thái điều hành từ trước Tết Nguyên đán đến nay, có vẻ như như Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng đối mặt với con “ngáo ộp” thanh khoản để kiên trì với mục tiêu chủ đạo: dọn dẹp lại hệ thống ngân hàng và hướng dòng vốn đi vào sản xuất, đặc biệt là khu vực “tam nông”.

Không ngại “ngáo ộp” thanh khoản

Tại buổi họp báo ngày 14/2, thêm một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: có “mươi” tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có nguy cơ đổ vỡ và đang trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại”.  

Thực ra, đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia khuyến cáo là nóng bỏng nhất trong điều hành vĩ mô của năm nay. Vậy, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước xử lý như thế nào?

Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trước Tết, Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền rất mạnh qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để giải quyết thanh khoản và sau Tết, lại hút ròng về từ OMO; đồng thời tái cấp vốn cho những trường hợp thật cần thiết”.

Những diễn biến trên OMO gần đây cho thấy, cùng với việc “nới” khối lượng giao dịch, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh kỳ hạn giao dịch một cách linh hoạt: trước Tết, kỳ hạn cho vay là 14 và 21 ngày thì sau Tết, đưa về 7 và 14 ngày.

Sở  dĩ Ngân hàng Nhà nước làm như vậy là bởi, nhu cầu thanh khoản trước Tết bao giờ cũng rất lớn và thời gian nghỉ Tết kéo dài nên khối lượng bơm ra và kỳ hạn cho vay phải phù hợp với thị trường. Còn sau Tết, khi thanh khoản hệ thống tạm dịu lại thì một mặt, nhà điều hành thu tiền về và thu ngắn kỳ hạn dao dịch; mặt khác, tái cấp vốn cho một số đơn vị có nguy cơ đổ vỡ nhằm hướng dòng tiền này vào một mục đích duy nhất: hỗ trợ thanh khoản tức thời, không để chúng gây áp lực lên lạm phát.

Thứ  hai, để tạo sự đồng thuận của xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước công khai một số thông tin nhạy cảm mà  trước đây nhà điều hành vẫn có thói quen… “đậy” lại. Đó là tiến hành phân loại hệ thống tổ chức tín dụng thành 4 nhóm và công khai số lượng các tổ chức tín dụng yếu kém thuộc nhóm 4 để khoanh vùng và chữa trị. 

Cách “chữa trị” ở đây trước hết, không cho phép số đối tượng này tăng trưởng tín dụng mà chỉ được phép gói gọn trong giới hạn bằng với năm 2011. Điều này bắt buộc các tổ chức tín dụng diện này muốn tồn tại thì phải cơ cấu lại danh mục, chất lượng tài sản, tăng cường thu hồi nợ để lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản và tiết giảm mọi chi phí. 

Sau đó, như lời một Phó thống đốc chia sẻ với người viết: “Tất nhiên, chúng tôi vẫn bên cạnh họ, sẵn sàng tái cấp vốn để tránh đổ vỡ nhưng sẽ giám sát từng ngày, từng đồng và kiên quyết không để họ sử dụng tiền tái cấp vốn không đúng mục đích”. Trên thực tế, ở một số đơn vị thuộc nhóm này, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các tổ giám sát túc trực thường xuyên, gia tăng hoạt động thanh tra giám sát.

Dĩ nhiên, song song với quá trình chữa bệnh cho một số tổ chức tín dụng yếu kém để từng bước sắp xếp lại hệ thống, ngoài vai trò của Ngân hàng Nhà nước còn có bóng dáng của các “ông lớn” khác. Không kể đến BIDV trong thương vụ hợp nhất vừa qua, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết: “Nếu được giao nhiệm vụ, Vietcombank sẵn sàng thuyết phục các cổ đông để hỗ trợ các ngân hàng trong diện phải sáp nhập khi cần thiết”. 

Hướng vốn cho sản xuất

Điểm nổi bật trong điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình ở những ngày đầu năm là mở ưu đãi cho tín dụng sản xuất và kìm hãm tín dụng đối với những lĩnh vực không ưu tiên thông qua một loạt động thái quan trọng.

Theo trình tự thời gian, ngày 31/1/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 428/NHNN - CSTT về việc xác định lãi suất tiền gửi VND của các tổ chức tín dụng Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2012 là 12,94%/năm. 

Đối tượng phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội là người nghèo và đối tượng chính sách khác, việc giảm áp lực lãi suất đầu vào cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong điều kiện lãi suất thị trường 17% - 19%/năm là cơ sở để ngân hàng này giảm lãi suất tiền vay để thực hiện sứ mệnh một tổ chức tài chính vi mô của chính phủ, trong việc giảm nghèo và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Cùng với chính sách ưu đãi cho các tổ chức tài chính vi mô, trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được huy động vốn với lãi suất 14,5%/năm, cao hơn 0,5% so với tổ chức tín dụng khác, tạo ưu thế về nguồn vốn để các tổ chức này hoạt động.

Thứ hai, ngày 2/2/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt văn bản cho phép 5 tổ chức tín dụng được hưởng ưu đãi giảm tỷ lệ dự  trữ bắt buộc VND (áp dụng từ tháng 2/2012 đến tháng 7/2012) có tỷ trọng dư nợ cho vay “tam nông” lớn, gồm các ngân hàng thương mại: Mê Kông, Nhà Đồng bằng sông Cửu long, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, Agribank và LienVietPostBank. 

Mức giảm như sau: “Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70%: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bằng 1/5 (một phần năm) so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi”.

Như vậy, 5 tổ chức tín dụng nói trên sẽ được giải phóng tới 4/5 khối lượng dự trữ bắt buộc, giúp họ cải thiện nguồn vốn để cho vay nhiều hơn đối với khu vực khuyến khích.

Song song với mở “hầu bao” cho tín dụng sản xuất, Ngân hàng Nhà nước lại rất “hà tiện” với tín dụng không khuyến khích như cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng khi khống chế mức tăng tín dụng khu vực này của năm 2012 là 16%.

Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: “Năm 2012, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ không ưu tiên tín dụng cho chứng khoán, bất động sản. Những giải pháp của chính sách tiền tệ hiện nay chỉ tập trung cho ổn định vĩ mô, đưa vốn về sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nhiều việc làm; không nên quan niệm nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu thị trường chứng khoán mà hãy để cho chúng tự vận hành theo quy luật”.

Xét về tổng thể, những động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước đang diễn ra theo một kịch bản định sẵn, tuy nhiên mấu chốt của vấn đề hiện nay vẫn là giảm lãi suất. Trong điều kiện xu hướng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang giảm mạnh, nếu lãi suất không giảm, sẽ là câu hỏi khó trả lời.

Theo Nguyễn Hoài
Vneconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,356

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn