Chính sách mới >> Tài chính 12/05/2017 17:47 PM

Nhà nước sẽ không còn là “ông chủ” của doanh nghiệp

12/05/2017 17:47 PM

Gần đây, Đề án thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu với DNNN và vốn nhà nước tại DN đã được “chốt” lại ở hai mô hình là thành lập mới Ủy ban thuộc Chính phủ, hay nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành DN chuyên trách. Sau nhiều thảo luận, phương án thứ hai đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia.

Doanh nghiệp nhà nước

Cơ chế quản lý vốn nhà nước, không nên quay lại cơ chế chủ quản dưới bất kỳ hình thức nào. Ảnh: S.T.

Cần thay đổi về chất

Thời gian qua, để khắc phục cơ chế chủ quản xuất hiện ngày càng nhiều bất cập, Bộ Tài chính đã trình và được Chính phủ chấp thuận cho ra đời hai công ty: Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vào năm 2003 và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào năm 2006. Hai công ty này là biểu hiện sự thay đổi về chất mối quan hệ Nhà nước với DN, hay nói cách khác, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động DN. Cơ quan hành chính không cấp vốn trực tiếp cho DN mà thông qua SCIC - trở thành mối quan hệ kinh doanh vốn, đầu tư vốn theo luật định giữa DN với DN. Về lĩnh vực xử lý công nợ cũng vậy, Nhà nước không ra các quyết định xử lý nợ như trước (giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ…) mà thông qua DATC để trở thành kinh doanh mua bán nợ. 2 DN đã giúp xây dựng mối quan hệ mới giữa Nhà nước với DN trên những nguyên tắc của kinh tế thị trường, bước đầu từ bỏ mối quan hệ chủ quản giữa cơ quan hành chính với DN.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Chủ nhiệm khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sự tồn tại song song hai mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN như hiện nay vừa có DN vừa có cơ quan chủ quản là không hợp lý. Để quản lý thực sự đối với DNNN cần tách bạch rõ chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước đối với DN. Với cơ chế quản lý vốn nhà nước, không nên quay lại cơ chế chủ quản dưới bất kỳ hình thức nào. Thực tế, dù có thành lập riêng một Ủy ban nhưng vẫn còn tính chất và đặc điểm của một cơ quan chủ quản thì vẫn sẽ đi ngược mục tiêu tách riêng chức năng quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế chủ quản. Bên cạnh đó, mục tiêu sắp tới của Việt Nam là giảm mạnh số DNNN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực để nhường sân cho các thành phần kinh tế khác. “Khi quy mô DNNN giảm thì mô hình cơ quan quản lý không thể cồng kềnh, phình to” - ông Nghiệp nhấn mạnh.

Cùng phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Sẽ không có phương án nào đáp ứng được toàn bộ mục tiêu đề ra mà phải lựa chọn phương án tối ưu hơn bằng cách xác định mục tiêu nào là quan trọng nhất. "Thời gian qua, chúng ta tập trung nặng về mục tiêu chính trị dẫn đến nhiều khoản đầu tư không theo cơ chế thị trường đã thua lỗ lớn. Do đó, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới nên là mục tiêu hiệu quả kinh doanh. Mặc dù, đối với DNNN không thể đòi hỏi lợi nhuận cao như DN tư nhân nhưng đây vẫn là một bước đi rất tích cực khi xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, áp dụng các thông lệ quản trị tốt của thế giới" - ông Thành nói.

Trên thực tế, hiện nay SCIC mới nắm giữ 0,7% vốn DNNN, nếu có đủ quyết tâm chính trị thì có thể chuyển đổi được hai nhóm DNNN là nhóm DN kinh doanh theo cơ chế thị trường và nhóm DN công ích, DN chiến lược ngành, DN địa phương... Hai nhóm này chiếm 65 – 70% số vốn Nhà nước tại DN. Khi đó, mô hình một Ủy ban có thể thích hợp nhưng điều này khó khả thi trên thực tế. Khả thi hơn cả trong hoàn cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Xuân Thành, là chuyển đổi nhóm DN kinh doanh đơn thuần. Khi đó, mô hình DN là phù hợp nhất với thực tiễn cũng như các mục tiêu nêu trên.

Không nên hành chính hóa

Đồng tình với “tư tưởng” trên, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nhận xét: Vấn đề cốt lõi của DNNN suốt 30 năm qua là “đồng tiền, bát gạo không gắn liền với khúc ruột, máu thịt của người quản lý”. Câu hỏi này đặt ra yêu cầu lựa chọn mô hình tổ chức để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này, thực hiện đúng trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước đầu tư tại DN trong nền kinh tế thị trường, công khai, minh bạch.

Nhắc đến 2 mô hình đang được đưa lên “bàn cân”, ông Tiến nhận định: Mỗi mô hình có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn mô hình nào phù hợp nhất, thuận lợi và có hướng đến phát triển trong tương lai cần được xem xét cặn kẽ tránh việc phải sửa chữa, hoàn thiện nhiều lần.

Từ khía cạnh khác, GS. TS Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam phân tích: Thuật ngữ “Ủy ban” thường mang nhiều tính chất quản lý hành chính hơn là quản lý kinh doanh. Kinh nghiệm của các DNNN thua lỗ kéo dài cho thấy một cơ quan quản lý quá đồ sộ như vậy có thể dẫn tới tình trạng quan liêu, dễ tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí... Đặc biệt, mục tiêu “cơ quan quản lý vốn nhà nước phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và can thiệp chính trị vào DN” sẽ khó thực hiện trong mối quan hệ đan xen rất phức tạp này.

Theo ông Thái, không nên hành chính hóa việc quản lý vốn nhà nước tại DN mà cần tán thành mô hình DN. Song, điều khó khăn là hiện nay, Nhà nước cũng chưa nắm chắc vốn Nhà nước đang “rải rác” các cơ quan chủ quản khác nhau, lại thường bị đánh giá “giá trị còn lại” không theo nguyên tắc thị trường. Những hiệu quả của công tác cổ phần hóa và thoái vốn vừa qua cho thấy phải nhanh chóng chuyển đổi để làm đúng chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ không còn là “ông chủ” của DN theo kiểu mệnh lệnh hành chính, mà phải là cơ quan đại diện chủ sở hữu với cơ chế cổ đông năng động trong quá trình quản trị DN, tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường.

Hồng Vân

Theo Báo Hải Quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,565

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]