Chính sách mới >> Tài chính 11/05/2017 08:12 AM

Sắp tới, nếu không được hỗ trợ, người tiêu dùng có thể “thủng túi” vì giá xăng?

11/05/2017 08:12 AM

Từ đầu năm 2018, với kế hoạch thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5, song các chuyên gia đánh giá, hiện mức độ đón nhận của người tiêu dùng với xăng sinh học còn rất thấp, chưa kể mức giá dầu hiện nay khiến nhiên liệu sinh học không có tính bền vững về mặt kinh tế, đòi hỏi phải có ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp và ưu đãi giá cho người tiêu dùng.

giá xăng

Tại Việt Nam, theo lộ trình sẽ áp dụng xăng E10 từ 1/12/2017 và từ 1/1/2018 sẽ thay toàn bộ xăng A92 bằng E5.

Rục rịch thay thế xăng A92 bằng E5

Theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe máy quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chuẩn khí thải mức 4 được áp dụng từ ngày 4/1/2017 và tiêu chuẩn khí thải mức 5 sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Hiện tại, một số các quốc gia châu Á cũng đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 như Ấn Độ, Malaysia, Philippines hoặc mức 5 như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Phát biểu tại hội thảo về pha xăng đạt tiêu chuẩn xăng dầu mức 4, mức 5 diễn ra hôm qua (9/5), ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đánh giá, “việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5 là hết sức cần thiết để cải thiện chất lượng không khí đang bị ô nhiễm như hiện nay”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để đảm bảo được chất lượng nhiên liệu đáp ứng yêu cầu của động cơ tiêu chuẩn khi thải Euro 4, Euro 5 thì khâu pha chế lại đóng vai trò chủ chốt.

Góp tham luận tại hội thảo, ông Dieter Kumbranch, Giám đốc điều hành Công ty DK&Associates cho biết, có hai loại thành phần chính được sử dụng để pha chế xăng: Thành phần truyền thống và thành phần nhiên liệu sạch.

Theo xu hướng hiện nay trên thế giới, các quốc gia đang gia tăng sử dụng các thành phần nhiên liệu sạch để cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường. Những thành phần này gồm MTBE, Alkylate và etanol (cồn). Trong đó, MEBE và etanol phổ biến nhất nhờ nâng cao trị số ốc-tan (một đại lượng đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu) và lợi ích về mặt môi trường.

Trong khi MTBE đang được sử dụng ngày càng nhiều ở các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Siangpore thì etanol được sử dụng trên phạm vi toàn quốc ở Thái Lan và Philippines. Ở Việt Nam, dự kiến xăng pha etanol (xăng E5) sẽ được sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, thay thế hoàn toàn cho xăng A92 từ ngày 1/1/2018.

Cần ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp và ưu đãi giá cho người tiêu dùng

Trước đó, Việt Nam cũng đã áp dụng xăng E5 từ 1/12/2015 và theo kế hoạch, áp dụng xăng E10 từ 1/12/2017. Mục tiêu đặt ra là đạt tỷ lệ pha chế 5% vào 2017.

Tuy nhiên, ông Kumbranch đánh giá, mặc dù năng lực sản xuất trong nước cho thấy đủ đáp ứng nhu cầu, song các đơn vị sản xuất đạt được lợi nhuận cao hơn trong các ứng dụng khác và khi xuất khẩu. Mức độ đón nhận của người tiêu dùng với xăng sinh học cũng rất thấp, tuy đã có ưu đãi về giá. Chưa kể, đang có sự chênh lệch về giá/giá trị giữa các công ty xăng dầu/các đơn vị pha chế với các nhà sản xuất etanol.

Nhìn chung, vị chuyên gia về nhiên liệu nhận xét, “mức giá dầu hiện nay khiến nhiên liệu sinh học không có tính bền vững về mặt kinh tế”.

Đại diện từ Hiệp hội Nhiên liệu sạch châu Á cũng thông tin thêm rằng, so sánh giữa hai chất pha chế, thì MTBE có đặc tính kỹ thuật ưu việt, thân thiện với môi trường, hiệu quả về kinh tế, độ sẵn có cao, giá cả thường ở mức bằng hoặc dưới giá trị pha chế của sản phẩm. Còn thế mạnh của etanol là hỗ trợ cho ngành trồng trọt, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm nhập khẩu và thất thoát ngoại tệ.

Tuy nhiên, hạn chế của etanol nằm ở mặt kỹ thuật liên quan đến tách nước và áp suất hơi, “làm phát sinh chi phí lưu trữ, tiếp vận, chi phí nguyên liệu cao, đòi hỏi phải có ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp và ưu đãi giá cho người tiêu dùng”.

 “Việc cung ứng có thể làm ‘thủng túi’ người tiêu dùng khá nhiều do giá etanol trong nước và thế giới phụ thuộc vào thị trường hàng hóa nông nghiệp, không phụ thuộc vào các thị trường dầu hóa thạch” – vị chuyên gia bày tỏ lo ngại. Ngoài ra, việc sử dụng xăng E5, E10 cũng khiến cho việc nhập khẩu nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn.

 “Với những điểm yếu nhiều hơn là thuận lợi như vậy, đòi hỏi lộ trình áp dụng nhiên liệu sinh học phải được hỗ trợ về mặt tài chính mới có thể tồn tại”, ông Kumbranch khẳng định.

Bích Diệp

Theo Dân trí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,682

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]