Báo cáo mang tên Rule of Law Index (Chỉ số Thượng tôn pháp luật) 2016 do tổ chức World Justice Project (WJP) có trụ sở ở Washington thực hiện xếp Đan Mạch ở vị trí đầu bảng. Bốn nước còn lại trong top 5 của xếp hạng cũng đều là các quốc gia thuộc châu Âu, bao gồm Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, và Hà Lan.
Cùng góp mặt trong top 10 còn có Đức, Áo, New Zealand, Singapore, và Anh.
Đứng ở vị trí 67, Việt Nam xếp sau Ấn Độ và trước Sri Lanka.
Điểm số về thượng tôn pháp luật của Việt Nam là 0,51/1, so với mức từ 0,81-0,89 điểm của các quốc gia trong top 10.
Báo cáo của WJP nêu rõ rằng Việt Nam là quốc gia thăng hạng mạnh nhất tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong Chỉ số Thượng tôn pháp luật năm nay, tăng 7 bậc so với năm ngoái. Trong khi đó, tại khu vực này, Philippines là quốc gia rớt hạng mạnh nhất, giảm 9 bậc so với năm ngoái, xuống vị trí thứ 70.
WJP thực hiện bản báo cáo dựa trên hơn 100.000 khảo sát đối với người dân và chuyên gia tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ về các quy định của pháp luật được thực thi như thế nào trong từng tình huống cụ thể, hàng ngày.
Điểm số dành cho mỗi quốc gia được dựa trên 44 yếu tố trong 8 nhóm, gồm: kiểm soát quyền lực chính phủ, không có tham nhũng, chính phủ minh bạch, các quyền căn bản, trật tự và an ninh, khả năng chấp pháp, công bằng dân sự và luật hình sự.
Tại mỗi nước, có hơn 1.000 người tại ba thành phố lớn được khảo sát. Đối với Việt Nam, cuộc khảo sát diễn ra tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Tp.HCM.
Mỹ xếp thứ 18 trong xếp hạng này, Trung Quốc xếp thứ 80, Nhật Bản xếp 15.
Tại khu vực Đông Nam Á, nước có thứ hạng cao nhất là Singapore (vị trí thứ 9), tiếp đó là Malaysia (56), Indonesia (61), Thái Lan (64), Việt Nam (67), Philippines (70), Myanmar (98), và Campuchia (112).
Venezuela được WJP đánh giá là quốc gia có mức độ thượng tôn pháp luật kém nhất thế giới, xếp ở vị trí cuối cùng của xếp hạng, sau những nước như Campuchia, Afghanistan, Ai Cập, Cameroon, Zimbabwe…
Diệp Vũ
Theo Vneconomy