Hà Nội được để lại 41%, TP.HCM chỉ 23%, trả lời thế nào

18/04/2015 08:07 AM

“Tại kỳ họp rồi, cử tri hỏi, tại sao Hà Nội để lại 41%, mà TP.HCM chỉ để lại 23% [thu ngân sách], tôi không biết trả lời thế nào”, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch, phải thốt lên khi thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sáng 17-4.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng NSNN cần phải minh bạch cao nhất . Ảnh TG

Ông Lịch đề nghị Quốc hội nên dành thời lượng 15-20% trong hai kỳ họp hàng năm kéo dài 60-70 ngày để bàn về ngân sách nhằm “kiểm soát” ngân sách một cách thực sự.

“Tôi thấy cái gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì tốt, mà ngân sách càng cần phải minh bạch cao nhất nên phải đưa ra”, ông nói.

“Tại kỳ họp rồi, cử tri hỏi, tại sao Hà Nội để lại 41%, TP.HCM chỉ để lại 23%, tôi không biết trả lời thế nào. Nếu minh bạch ra không ai so bì”, ông nói và nhận định có thể Hà Nội phải làm nhiệm vụ chi cho trung ương cao hơn.

Ông bổ sung: “Phải giảm tối đa cơ chế xin-cho... Làm sao để Quốc hội kiểm soát ngân sách thực sự, nếu không dù Quốc hội có quyền lực cao thế nào thì cũng chẳng có quyền thực sự gì”.

Đại biểu Bùi Đức Thụ lo ngại: kỷ luật ngân sách rất lỏng lẻo. Ông Thụ nói: “Về kỷ luật ngân sách, đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, nhưng sai phạm trong thu chi là rất phổ biến, có khoản vượt hơn 2 lần”.

Ông Thụ đề nghị phải thay Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách bằng luật thường niên để tăng cường kỷ cương ngân sách.

Đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi: “Vấn đề Quốc hội quyết định ngân sách có thực chất không?”

Ông dẫn chứng, Chính phủ luôn luôn vượt thu do làm dự toán không chính xác. Chẳng hạn, dù giá dầu thô giảm mạnh, nhưng quý 1 năm nay thu ngân sách vẫn vượt thu trên 10%; và khẳng định: “Rõ ràng quy trình như hiện nay thì hình thức nhiều”.

Về minh bạch ngân sách, ông Minh rất băn khoăn: “Hiện nay trên thế giới, có nước nào thu để ngoài ngân sách không? Có nước nào có ngân sách mà chưa đưa vào cân đối không?”

Ông Minh nhận xét, do Quốc hội chưa chuyên nghiệp, mỗi năm chỉ họp hai lần nên khi họp luôn nhất trí về cơ bản với quy trình lập ngân sách.

Vì lẽ đó, ông phân tích: “Khi Quốc hội thảo luận ngân sách hàng năm thì mọi việc đã đâu vào đấy. Các địa phương về trung ương để bảo vệ kế hoạch, xong rồi thì mới đưa ra Quốc hội”.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đề nghị, toàn bộ các khoản thu chi ngân sách phải được dự toán rõ ràng, chính xác.

Ông nhận xét: “Ai cũng biết chế độ công tác phí không thể bù đắp cho người đi công tác, nhưng vẫn duy trì, nên cứ phải vẽ ra. Tài chính của chúng ta có tình trạng cứ phải nói dối, biến báo, để thực hiện đúng chính sách, không thể nói thật”.

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.

Về bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) và mức dư nợ vay của chính quyền địa phương, Ủy ban Tài chính Ngân sách và cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đồng tình mức dư nợ tối đa vốn vay cho địa phương như sau:

Đối với TP. Hà Nội và TP.HCM không vượt quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh;

Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương không vượt quá 100% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh;

Các địa phương nhận bổ sung cân đối nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng chi cân đối ngân sách địa phương, mức dư nợ không vượt quá 50% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của cấp tỉnh;

Các địa phương nhận bổ sung cân đối trên 50% tổng chi cân đối ngân sách địa phương, mức dư nợ không vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của cấp tỉnh.

Tư Giang

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,567

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn